Bài học đầu tiên của chủ đề “Doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam”
Với sự thuyết giảng của Công ty TNHH Mitani Sangyo.

Thứ Tư ngày 6 tháng 10 năm 2021, chuỗi bài giảng hợp tác giữa Đại học Việt Nhật, Công ty TNHH Mitani Sangyo và Công ty TNHH Koganei Seiki đã diễn ra buổi đầu. Tham dự buổi thuyết giảng, có rất nhiều đại biểu, khách mời, đặc biệt là ông Miura Shuhei, Giám đốc Kế hoạch Kinh doanh Việt Nam của Mitani Sangyo, Tổng Giám đốc AUREOLE CSD Inc cùng bà Nguyễn Phương Mai, Chuyên viên xúc tiến lập kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam của Miura Sangyo và công ty Aureole Expert Integrators Inc.

                           Ảnh: Ông Miura (ngoài cùng bên phải, giữa) và bà Nguyễn Phương Mai (ngoài cùng bên phải, dưới cùng)

Dự án này đã được khởi động vào mùa Thu năm 2021, tập trung vào từ khóa “Japanese style Monozukuri” (mang ý nghĩa “Phương thức quản trị sản xuất của Nhật Bản”). Mục đích chính của hoạt động này là bồi dưỡng sinh viên nắm bắt phương thức quản trị sản xuất đặc trưng của Nhật Bản trong viễn cảnh toàn cầu hóa thông qua các lớp học được tổ chức bởi chương trình Cử nhân Nhật Bản học cũng như các Seminar hằng năm. Trong học kỳ năm 2021 này, bài giảng được tổ chức có tên “Kinh doanh Nhật Bản và Việt Nam.”

Chủ đề của bài giảng đầu tiên là “Bồi dưỡng nhân tài và cơ cấu tổ chức tại ACSD: 27 năm phát triển tại Việt Nam”. Trong bài giảng này, diễn giả đã trình bày một cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển của công ty TNHH Mitani Sangyo cũng như các chương trình, chế độ đào tạo nhân lực của công ty con  ACSD tại Việt Nam.

Diễn giả đã giải thích chủ trương chú trọng “nội địa hóa” của ACSD, lấy đội ngũ nhân viên người Việt Nam là trọng tâm phát triển của công ty. Đồng thời, công ty cũng nâng cao sự hiểu biết của nhân viên về ý nghĩa và mục tiêu tổng thể của các kế hoạch, dự án của công ty, thay vì chỉ giao cho họ thực hiện những nhiệm vụ riêng lẻ cụ thể. Việc nắm rõ được mục tiêu và kế hoạch tổng quan sẽ làm gia tăng động lực phấn đấu cho nhân viên. Cuối cùng, bài giảng nhấn mạnh vào việc phát triển đội ngũ nhân viên mới và chương trình phái cử các nhân viên sang thực tập tại công ty ở Nhật Bản.

Trong phần hỏi đáp, sinh viên đã đưa ra những câu hỏi đáng chú ý như “Để vào công ty, có cần kiến thức về lĩnh vực kiến trúc không?” và “Các đội nhóm được hình thành trong công ty như thế nào?”

Để trả lời cho câu hỏi đầu tiên, ông Miura nói rằng, công ty hiện tại có một xu hướng là những người nghiên cứu văn hóa Nhật Bản và tư tưởng kinh doanh của người Nhật khi được nhận vào sẽ có tiến bộ rất nhanh, những kiến thức chuyên ngành khác hoàn toàn có thể đào tạo sau đó. Bởi vậy, để vào công ty, không cần thiết là phải tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc ở trường đại học. Với câu hỏi thứ hai, ông Miura nói rằng, bộ phận kỹ thuật sẽ tổ chức các đội nhóm theo đối tượng khách hàng và các nhóm văn phòng chung, kế toán, nhân sự cũng tham gia hỗ trợ các đội nhóm này.

Bài giảng lần này là cơ hội quý giá cho các sinh viên Đại học Việt Nhật tìm hiểu về cách quản lý tổ chức, quản trị nhân sự của một doanh nghiệp Nhật Bản.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *