Chiều ngày 4/8/2017, Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN, Trường Đại học Tokyo phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình Bền vững cùng Đại học Tokyo đã tổ chức Hội thảo về ” Trọng tài quốc tế và pháp quyền vì thị trường bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia và luật sư uy tín của Việt Nam và Nhật Bản.
Thúc đẩy xã hội hòa bình, cung cấp quyền tiếp cận tư pháp được liệt kê là Mục tiêu thứ 16 trong Nhóm các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc đến năm 2030 và được coi là chìa khóa thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững. Trên gia tốc phát triển chung đó, trọng tài quốc tế mang tính thiết yếu trong việc đẩy mạnh pháp quyền không chỉ đối với hoạt động đầu tư, thương mại mà còn là nhân tố góp phần tăng cường hoạt động quản lý, minh bạch tại Việt Nam. Với tư cách là quốc gia viện trợ hàng đầu, đặc biệt là các dự án liên quan đến cải cách pháp luật và tư pháp, Nhật Bản luôn nỗ lực hỗ trợ Việt Nam hướng tới bắt kịp, hòa nhập với sự phát triển chung của toàn cầu bằng việc ứng dụng chính những thành tựu khoa học vào thực tiễn tại Việt Nam. Do vậy, từ nền tảng tăng cường hợp tác dựa trên Hiệp định Đối tác Kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2008 (VJEPA), trường Đại học Việt Nhật, trường Đại học Tokyo phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình Bền vững tổ chức Hội thảo “Trọng tài Quốc tế và Pháp quyền vì thị trường bền vững”.
Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, Hiệu Trưởng Trường Đại học Việt Nhật – GS. TS. Furuta Motoo cho biết: “Ngày nay, việc hướng tới phát triển bền vững là một vấn đề của toàn xã hội đối với những quốc gia như Việt Nam và Nhật Bản. Những môn khoa học với định hướng phát triển bền vững là sự tổng hòa của rất nhiều lĩnh vực học thuật, từ xã hội nhân văn tới khoa học, để hướng đến một xã hội bền vững. Đây là điều tối quan trọng cho những người trẻ tuổi muốn trở thành người lãnh đạo trong thế kỷ 21 này. Chủ đề của buổi hội thảo hôm nay, về Trọng tài Quốc tế và Pháp quyền vì thị trường bền vững” rất phù hợp với định hướng giáo dục đào tạo của Trường Đại học Việt Nhật. Trường Đại học Việt Nhật hiện đang có những Chương trình như Chính sách công và Quản trị Kinh doanh, có mối quan hệ mật thiết với vấn đề trọng tài quốc tế, vì vậy chúng tôi rất vui mừng khi nhận lời đề nghị từ GS. TS. Yasunobu Sato để đồng thực hiện buổi hội thảo này.”
Hội thảo được chia làm hai phiên: Phiên đầu tiên là bài thuyết trình của GS. TS. Yasunobu Sato, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình Bền vững về Trọng tài Quôc tế, những điều luật cho một thị trường bền vững; Phiên thứ hai là thời gian thảo luận để các diễn giả, lần lượt gồm : Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tích thường trực, Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC); GS. TS. Maomi Iwase đến từ Đại học Công lập tỉnh Hyogo; Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng đến từ Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc lập, Luật sư Keigo Sawayama đến từ Chi nhánh Nagashima Ohno & Tsunematsu tại Hà Nội.
Diễn giả GS. TS. Maomi Iwase trình bày “Mối quan hệ trọng tài và đầu tư quốc tế: thỏa thuận đầ tư và hoạt động đầu tư tại Việt Nam”
Tại phiên thảo luận, các chủ đề được các diễn giả tập trung bao gồm : Thực trạng của Tòa án và Trọng tài quốc tế tại Việt Nam là như thế nào? Cải cách luật của Việt Nam có ảnh hưởng gì tới hoạt động của trọng tài quốc tế Việt Nam? Những đề xuất nào có thể đưa ra để khắc phục những nhược điểm trong luật pháp Việt Nam để phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiện nay?
Theo nhận định của các diễn giả: Trọng tài thương mại ngày càng có vai trò quyết định trong việc giải quyết tranh chấp thương mại với nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài trong kinh doanh và đầu tư; các doanh nghiệp hiện nay cũng có xu hưởng sử dụng Trọng tài thay cho Tòa án. Tuy Việt Nam đã có những cải cách và phát triển nhất định trong khung pháp lý cho phương thức trọng tài nhưng vẫn tồn tại nhiều cản trở khi doanh nghiệp sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp, như rủi ro bị hủy bỏ bởi tòa án trong nước hay không được tòa án trong nước công nhận cho thi hành, v.v.
Nhìn chung, việc thúc đẩy trọng tài thương mại là chìa khóa giúp đảm bảo môi trường kinh doanh bền vững cho một Việt Nam hội nhập. Bên cạnh các giải pháp cải thiện khung pháp lý, tăng uy tín chế định trọng tài, xây dựng những hệ thống cho trọng tài và các bên trung gian, các diễn giả cũng nhân mạnh đến việc tạo nên một Hạ tầng mềm mà trong đó việc nâng cao kiến thức cho nguồn nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến luật pháp là cốt lõi, đặc biệt là nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước.
Kết thúc, các diễn giả đã đánh giá cao nội dung mà hội thảo đem lại, các diễn giả cũng gửi gắm hy vọng của mình đến Trường Đại học Việt Nhật sẽ đưa các bộ môn liên quan đến trọng tài quốc tế vào trong chương trình học, để đào tạo ra những thế hệ cán bộ có tầm hiểu biết về thượng tôn pháp luật và nhà nước pháp quyền.