Hội thảo Quốc tế về ”Các vấn đề đương đại trong phát triển bền vững” (CISD 2021) do Trường ĐH Việt Nhật và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đồng tổ chức vào ngày 7 và 8/12/2021. Vào chiều 7/12, phiên toàn thể thứ hai của hội thảo đã diễn ra với hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, GS.TS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật. Phiên toàn thể này có sự tham gia trình bày của ba diễn giả, TS. Vũ Văn Họa – Phó Tổng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Ông Nguyễn Hải Nam – Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội, GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Giảng viên cao cấp Trường ĐH Giáo dục và được chủ trì bởi PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật, PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, ngân hàng, quỹ đầu tư,… trong và ngoài nước.

Dự và phát biểu trực tuyến, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, trong những năm gần đây, “Phát triển bền vững” (sustainable development – SD) được nhiều tổ chức, quốc gia coi đó như một mô hình phát triển. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn tin rằng, CISD2021 tạo ra một diễn đàn có giá trị cho tất cả các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia tại Việt Nam và quốc tế để thảo luận về các khía cạnh khác nhau của phát triển bền vững. Ông mong rằng Hội thảo sẽ tạo ra một nền tảng đa ngành để trao đổi học thuật và nghiên cứu cũng như tạo cơ hội quý báu để thúc đẩy sự hợp tác tích cực giữa các nhà nghiên cứu, học giả trong ĐHQGHN và với các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia Nhật Bản.

                    PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội phát biểu tại Hội thảo 

 Phát biểu tại buổi Hội thảo GS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật chia sẻ, đây là một sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Việt Nhật với các đối tác nhằm tạo động lực và nền tảng trao đổi khoa học và công nghệ đa ngành giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông Furuta Motoo tin rằng, các diễn giả, nhà khoa học sẽ đưa ra những ý tưởng hấp dẫn và mang tính xây dựng với nhiều hy vọng như là giải pháp dựa trên thiên nhiên kết hợp với công nghệ cũng như sự tích hợp và sức mạnh tổng hợp giữa các chính sách và các hành động cụ thể của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp để hướng tới phát triển bền vững.

                                            GS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật

Mở đầu phiên buổi chiều là bài trình bày về chủ đề “Phát triển Quỹ Đầu tư Xanh – Kinh nghiệm Quốc tế và Hàm ý chính sách cho Việt Nam” do Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Bài tham luận của Ông Nguyễn Hải Nam đã nhấn mạnh đến vai trò của hệ thống tài chính xanh, ngân hàng xanh và các quỹ đầu tư xanh trong thúc đẩy đầu tư xanh và kinh tế xanh ở Việt Nam, cũng như cam kết mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam về phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có bao gồm kế hoạch phát triển chính sách Quỹ đầu tư xanh nói riêng và hệ thống tài chính xanh nói chung cho Việt Nam hướng đến những năm 2050. Ông Nam nêu quan điểm của nhóm nghiên cứu, đề xuất lộ trình về đầu tư xanh gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Hình thành các mô hình thí điểm ngân hàng xanh, quỹ đầu tư xanh và doanh nghiệp đầu tư xanh; Giai đoạn 2: Áp dụng toàn diện Hệ thống chỉ tiêu tài chính xanh; Giai đoạn 3: Vận hành toàn diện hệ thống tài chính xanh với 4 trụ cột chính: trung gian tài chính xanh, công cụ huy động vốn xanh và doanh nghiệp đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh. Ông đã nêu ra các khuyến nghị với Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành và các Ngân hàng, Nhà đầu tư và các doanh nghiệp về việc tập trung vào các hoạt động đầu tư giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

                                           Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tiếp theo là bài trình bày về “Những kinh nghiệm về kiểm toán việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” của TS. Vũ Văn Họa, Phó Tổng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Trong bài trình bày, tác giả đã đặc biệt nhấn mạnh về các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Kiểm toán nhà nước Việt Nam, trong đó giải pháp Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế cả song phương, đa phương và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm phát triển các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán mới được nhấn mạnh để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

                                                           TS. Vũ Văn Họa, Phó Tổng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam

Tại phiên cuối, GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN, đã trình bày những vấn đề về “Giáo dục ở Việt Nam: những vấn đề thực tiễn và chính sách đổi mới”. Những hạn chế trong hệ thống giáo dục Việt Nam được diễn giả đề cập đến trong báo cáo như: chất lượng giáo dục chưa đáp ứng mong đợi của nhà tuyển dụng, chuẩn đầu ra chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện đại, … Trong quá trình cải cách giáo dục tại Việt Nam, ông đã chỉ ra sự bất bình đẳng về cơ hội giáo dục và số dân lao động không có trình độ và học vấn cao hơn. Diễn giả đã đề xuất các khuyến nghị: cần cân bằng giữa sự quan tâm và việc đầu tư vào chất lượng giáo dục,  sự bất bình đẳng về cơ hội giáo dục nên được ưu tiên quan tâm trong chương trình nghị sự cải cách chính sách giáo dục, cần phải mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục đại học và cải cách một cách cơ bản và toàn diện để không ai bị bỏ lại phía sau.

                                  GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN

Các đại biểu tham gia Phiên toàn thể buổi chiều đã trao đổi, thảo luận rất tích cực về các chủ đề được các diễn giả trình bày, đặc biệt là việc tích hợp chuyển đổi số với phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh và vai trò của Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp trong thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam, các chính sách và phương pháp cụ thể để tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước trong việc đánh giá và kiểm soát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SGD, các chính sách đổi mới giáo dục Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Một số hình ảnh của phiên thảo luận:

VJU MEDIA
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *