Ngày 07 tháng 12 năm 2021
Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội


Hội thảo Quốc tế về Các vấn đề Đương đại trong Phát triển Bền vững (CISD 2021) do Trường Đại học Việt Nhật ĐHQGHN (VJU) và Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN (USSH) đồng tổ chức đã được diễn ra trong ngày 7 và 8 tháng 12 năm 2021. Mục tiêu của CISD2021 là tạo ra mạng lưới giữa các nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực phát triển bền vững, nhằm tạo ra diễn đàn thường niên để chia sẻ kết quả nghiên cứu và xem xét các vấn đề cập nhật về phát triển bền vững, cũng như xây dựng cộng đồng học giả và chuyên gia hướng tới một tương lai bền vững.

  GS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật và GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV phát biểu tại Hội thảo

Sáng 7/12, ba giáo sư về Khoa học bền vững ở Việt Nam và Nhật Bản, Giáo sư Kensuke Fukushi, Đại học Tokyo, Giáo sư Mimura Nobuo, Đại học Ibaraki và Giáo sư Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có các bài phát biểu keynote trong phiên họp toàn thể đầu tiên của hội thảo. GS. TS. Jun Nakajima, Giám đốc Viện Khoa học bền vững, Trường ĐH Việt Nhật và TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội đã chủ trì phiên toàn thể này.

 Trong bài trình bày “Năng lượng cho sự phát triển bền vững trong Kỷ Nhân sinh (anthropocene)”, Giáo sư Kensuke Fukushi trước tiên đã giải thích rằng Kỷ Nhân sinh là một kỷ nguyên được đề xuất tính từ thời điểm bắt đầu có những tác động đáng kể của con người lên địa chất và hệ sinh thái của Trái đất. Trong Kỷ Nhân sinh, chúng ta phải xem xét tác động của hoạt động của con người đối với môi trường toàn cầu. Ông đã chỉ ra hạn chế của nhiên liệu hóa thạch và lợi thế của năng lượng tái tạo. Ông cho rằng cần phải phát triển nhiều công nghệ khác nhau để tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo. Một nghiên cứu điển hình rất thu hút và được nghiên cứu chính xác ở Nhật Bản đã được đưa ra để tạo ra một kịch bản về “hòn đảo không phụ thuộc vào năng lượng” bởi năng lượng tái tạo thúc đẩy các cơ hội kinh doanh mới. Diễn giả đã trình bày một kịch bản kết hợp năng lượng mặt trời, gió và sinh khối và các kết quả mô phỏng dựa trên kịch bản này. Cuối cùng, giải pháp dựa vào thiên nhiên cho năng lượng bền vững với mối quan hệ rừng đô thị đã được diễn giả giải thích cụ thể. Bài phát biểu của ông cho thấy hy vọng về việc “Chúng ta có thể thay đổi tương lai!”

Trong bài trình bày “Tích hợp Giảm nhẹ và Thích ứng hướng tới Phát triển Thích ứng với Khí hậu”, Giáo sư Mimura Nobuo khẳng định cả việc giảm nhẹ và thích ứng đều quan trọng đối với các biện pháp biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, sự tích hợp của chúng sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn cho việc thiết lập một mô hình phát triển mới “Phát triển thích ứng với khí hậu”. Ông bắt đầu với những kiến thức mới nhất của ICPP cũng như giới thiệu giải Nobel Vật lý 2021 của Tiến sĩ Shukuro Manabe. Tiếp theo đó, các tác động của biến đổi khí hậu đã được giải thích và tóm tắt bao gồm các tác động ở quy mô thời gian khác nhau. Ông đã chỉ ra hai trụ cột của các biện pháp biến đổi khí hậu là giảm thiểu và thích ứng, sự tích hợp của hai điều này và tầm quan trọng của xã hội thích ứng với khí hậu trong thế giới bền vững. Một xã hội thích ứng với khí hậu không chỉ dựa trên thích ứng mà còn dựa nhiều vào giảm nhẹ để tránh “giới hạn của sự thích ứng”. Ông kết luận rằng tích hợp giữa giảm nhẹ và thích ứng sẽ mang đến một xã hội thích ứng với khí hậu và không phát thải khí nhà kính. Mô hình mới này sẽ cung cấp một khuôn khổ mới cho sự phát triển bền vững. 

Trong bài trình bày “Xây dựng Xã hội có khả năng chống chịu và Carbon thấp để Ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn và Phát triển bền vững”, Giáo sư Mai Trọng Nhuận chỉ ra tầm quan trọng của các thách thức đối với việc xây dựng LCRS (Xã hội có khả năng chống chịu và Carbon thấp) đi kèm với CCR (ứng phó với biến đổi khí hậu) và SD (phát triển bền vững). Ông đã giới thiệu những kiến thức cơ bản về LCRS, CCR và SD cũng như tình hình thực tế của những vấn đề này ở Việt Nam, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tiếp theo, ông trình bày các cơ hội xây dựng LCRS bằng cách giới thiệu các tiến trình như tư duy tuần hoàn, cân bằng và hài hòa các lĩnh vực xã hội, sinh học và công nghệ, v.v. bao gồm các trường hợp cụ thể ở Việt Nam. Diễn giả cũng giải thích hiệu quả của việc tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa ba trụ cột là EP (bảo vệ môi trường), CCR và SD đã được ghi nhận trong chính sách và pháp luật Việt Nam. Ông cũng chỉ ra ví dụ về hoạt động của Làng thông minh với khí hậu cũng được cho là những hoạt động rất hấp dẫn ở Việt Nam hiện nay.

Ba bài phát biểu toàn thể buổi sáng ngày 7/12 đã tập trung vào những vấn đề đương đại về biến đổi khí hậu, bền vững năng lượng và phát triển bền vững mà con người ngày nay đang phải đối mặt. Các diễn giả cũng đã đưa ra và bàn thảo những ý tưởng, giải pháp về phát triển bền vững, như dựa trên việc kết hợp thiên nhiên và công nghệ, sự tích hợp và huy động sức mạnh tổng hợp giữa các hành động lớn để hướng tới phát triển bền vững. Phiên toàn thể buổi sáng đã thành công tốt đẹp và gợi mở nhiều vấn đề thú vị về phát triển bền vững trên thế giới và ở Việt Nam.

Một số hình ảnh tại phiên buổi sáng:

VJU MEDIA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *