Hội thảo Quốc tế về “Những tiến bộ trong kỹ thuật xây dựng- những ứng dụng của vật liệu tiên tiến và học máy” do Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN và Hiệp hội xây dựng Nhật Bản (JSCE) đồng tổ chức vào ngày 4/12/2021. 
Phiên toàn thể của hội thảo đã diễn ra với hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐHQGHN, Giám đốc chương trình Kỹ thuật Hạ tầng làm chủ tịch hội thảo và GS.TS Kato Hironori, Đại học Tokyo, Đồng giám đốc chương trình Kỹ thuật Hạ tầng.

Trong những năm gần đây, những tiến bộ trong kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là ứng dụng của vật liệu tiên tiến và học máy đã được nhiều tổ chức, quốc gia coi đó như một mô hình phát triển và nghiên cứu. GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức cho rằng, hội thảo về ứng dụng của vật liệu tiên tiến và học máy đã tạo ra một diễn đàn có giá trị cho tất cả các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia tại Việt Nam và quốc tế để thảo luận các khía cạnh khác nhau của vật liệu tiên tiến trên thế giới. 

Ông mong rằng Hội thảo sẽ tạo ra một nền tảng đa lĩnh vực để trao đổi học thuật và nghiên cứu cũng như tạo cơ hội quý báu để thúc đẩy sự hợp tác tích cực giữa các nhà nghiên cứu, học giả trong ĐHQGHN và các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…

Cuộc hội thảo lần này có sự tham gia trình bày của năm diễn giả bao gồm: TS. Trương Việt Hùng- Đại học Thủy Lợi, TS. Phương Trần-Đại học Rmit, Melbourne, Australia, TS. Trần Đức Quỳnh, Khoa quốc tế, ĐHQGHN, PGS.TS. Pang-Jo-Chun Đại học Tokyo, Nhật Bản, PGS.TS. Ji Dang Đại học Saitama, Nhật Bản.

Mở đầu buổi hội thảo là bài thuyết trình của TS. Trương Việt Hùng về “dự đoán phản ứng của kết cấu thép bằng máy học: Triển vọng và thách thức”. Thép là một trong hai loại vật liệu quan trọng nhất trong xây dựng ở Việt Nam hiện tại. Cùng với vật liệu bê tông cốt thép. Đặc biệt trong những năm gần đây, việc sử dụng vật liệu thép đã phát triển nhanh chóng, thay thế cho vật liệu bê tông cốt thép (BTCT) trong phần lớn nhà xưởng, nhà nhịp lớn và nhiều công trình công cộng khác.

Tiếp đến là bài thuyết trình của TS. Phương Trần về “Nghiên cứu và ứng dụng của in 3D: Những vấn đề hiện tại và hướng đi trong tương lai”. Hiện nay Công nghệ in 3D đã tạo ra những bước đột phá trong chế tạo mẫu. Công nghệ này có tiềm năng thay đổi cách thức sản xuất của con người. 

Phạm vi ứng dụng rộng rãi cộng với công nghệ phát triển đa dạng và chi phí ngày càng giảm sẽ giúp in 3D được quan tâm và ứng dụng phổ biến hơn trong hiện tại và tương lai. Đến tháng 07/2018, có 19.190 công bố sáng chế về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ in 3D tại 40 quốc gia và 2 tổ chức thế giới (WO và EP). Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Canada, Úc là quốc gia dẫn đầu số lượng công bố sáng chế về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ in 3D. 

Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ in 3D tập trung vào 03 hướng chính, đó là hướng ứng dụng sản xuất các sản phẩm in 3D; tạo hình, định hình vật liệu nhựa, vật liệu trạng thái dẻo; tạo hình, đúc các sản phẩm từ bột kim loại. Trong đó, hướng ứng dụng sản xuất các sản phẩm in 3D là hướng nghiên cứu và ứng dụng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà sáng chế.

Tiếp theo nữa là bài thuyết trình của TS. Trần Đức Quỳnh về “Ứng dụng của thuật toán DC và học máy” nói tới học máy là một thuật ngữ thông dụng trong thế giới công nghệ ngày nay. Đây chính là một bước tiến lớn trong khoa học máy tính và cũng đang là một trong cách thức hữu hiệu nhất hiện nay để xử lý số liệu lớn trong nền công nghiệp 4.0. Bài viết đã đề cập tới một vài ứng dụng cụ thể của học máy hiện nay.

Tiếp đến là bài thuyết trình của PGS.TS. Pang-Jo Chun về “Cộng tác bằng ngôn ngữ hình ảnh phản ánh kiến thức chuyên môn để kiểm tra và chẩn đoán các cầu nối”.

Cuối cùng là bài thuyết trình của PGS.TS. Ji-Dang về “Kiểm tra cầu, phát hiện hư hỏng và giám sát bằng cách sử dụng UAV, AI và IoT”.

Các đại biểu tham gia cuộc hổi thảo đã trao đổi, thảo luận rất tích cực về các chủ đề được các diễn giả trình bày, đặc biệt là việc nghiên cứu, phát triển các vật liệu tiến tiến trong xây dựng ở Việt Nam. Ngoài ra là các thủ thuật trong học máy và ứng dụng vật liệu tiên tiến vào trong nghiên cứu, phát triển xây dựng tại Việt Nam.

Hội thảo chung quốc tế “Những tiến bộ trong kỹ thuật xây dựng ứng dụng vật liệu tiên tiến và học máy” năm 2021 đã thành công tốt đẹp, đặt ra nhiều vấn đề thú vị và thách thức khác nhau, GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức đã phát biểu kết thúc Hội thảo và nhiệt liệt cảm ơn các Diễn giả và Ban tổ chức đã có những đóng góp cho sự thành công của Hội thảo.

VJU MEDIA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *