Hội thảo khoa học “Máy tính hiệu năng cao cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn 2019” có tác động tích cực đến các lĩnh vực đa ngành và liên ngành như: thiết kế vật liệu tính toán, mô hình hóa, mô phỏng trong vật lý, hóa sinh, môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ thuật cơ sở hạ tầng giao thông,…


TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật phát biểu tại hội thảo

Ngày 28/11/2019, trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học “Máy tính hiệu năng cao cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn 2019”. Đây là sự kiện học thuật nằm trong chuỗi các chương trình hợp tác giữa trường Đại học Thủ Dầu Một và Trường Đại học Việt – Nhật.

Với chủ đề “Máy tính hiệu năng cao cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn”, hội thảo đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các học giả có chuyên môn đến từ Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 30 báo cáo tham luận, trong đó có 18 tham luận đã hoàn thiện, sẽ được xuất bản trong Tạp chí khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nêu bật sáng kiến tổ chức hội thảo của hai đơn vị giáo dục, TS. Nguyễn Hoàng Oanh – Phó Hiệu trưởng, trường ĐH Việt – Nhật tin tưởng rằng, các nhà khoa học sẽ thu thập được nhiều kiến thức có lợi từ hội thảo và có những đóng góp quý báu cho việc phát triển những hướng nghiên cứu về hệ thống (HPC). Qua đó, góp phần xây dựng, vận hành, khai thác hiệu quả để xử lý một loạt vấn đề lớn trong các lĩnh vực đa ngành và liên ngành như: thiết kế vật liệu tính toán, mô hình hóa, mô phỏng trong vật lý, hóa sinh, môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ thuật cơ sở hạ tầng giao thông,…


TS. Đinh Văn An, giảng viên Chương trình Công nghệ Nano thuyết trình tại hội thảo

Để tạo điều kiện cho các học giả trình bày nghiên cứu của mình một cách tốt nhất, BTC Hội thảo đã bố trí 4 phiên làm việc. Theo đó, có 03 phiên làm việc trình bày các báo cáo theo chủ đề, gồm: phiên toàn thể, phiên làm việc chuyên sâu 1 với chủ đề: thuật toán, phân tích và mô hình hóa máy tính hiệu năng cao; phiên làm việc chuyên sâu 2 với chủ đề: ứng dụng máy tính hiệu năng cao trong nghiên cứu liên ngành; và phiên đối thoại chung. Bên cạnh những vấn đề trọng tâm của Hội thảo đặt ra, các học giả, đại biểu tham dự khẳng định, hiện nay, máy tính hiệu năng cao đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất và cuộc sống. Nhiều trường đại học Việt Nam cũng đang say mê sử dụng máy tính hiệu năng cao để thiết lập hệ thống máy tính đại học (hoặc trung tâm điện toán) ở dạng kỹ thuật số với lưu trữ, xử lý thông tin, quản trị và điều hành, kết nối toàn bộ hệ thống thông tin đại học; nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý và bảo mật thông tin, v.v.

Tại các phiên làm việc tại hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, và đại biểu tham dự đã dành thời gian chia sẻ thêm về kinh nghiệm xây dựng, triển khai và vận hành hệ thống tính toán hiệu năng cao phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo và triển khai ứng dụng ở các cơ quan khoa học và giáo dục danh tiếng trên thế giới; các khía cạnh liên quan đến phát triển, ứng dụng ngành khoa học tính toán, thu hút nhân lực có chuyên môn sâu trong nghiên cứu và vận hành máy tính hiệu năng cao… Các kết quả nghiên cứu của các học giả trong Hội thảo này sẽ là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển khoa học tính toán, cũng như việc đầu tư, nghiên cứu sử dụng máy tính hiệu năng cao trong phát triển giáo dục và khoa học công nghệ.

PGS.TS Hoàng Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một: Máy tính hiệu năng cao (HPC) được sử dụng để xử lý một loạt vấn đề lớn trong các lĩnh vực đa ngành và liên ngành như thiết kế vật liệu tính toán, mô hình hóa, mô phỏng trong vật lý, hóa sinh, môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ thuật cơ sở hạ tầng…


PGS.TS Hoàng Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một phát biểu khai mạc hội thảo

Theo PGS.TS Hoàng Trọng Quyền, hội thảo là một diễn đàn học thuật để các học giả trao đổi những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm đầu tư, sử dụng máy tính hiệu năng cao; đồng thời gợi mở, đề xuất các hướng nghiên cứu, ứng dụng máy tính hiệu năng cao trong giáo dục đào tạo (nhất là giáo dục đại học) và nghiên cứu khoa học liên, xuyên ngành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *