Chiều ngày 27/04 – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN – GS. TS. Furuta Motoo đã tham dự Hội thảo Aureole 2017. Tại Hội thảo, GS. TS. Furuta Motoo đã tham gia phiên thảo luận với các chuyên gia, đại diện tập đoàn và các học giả khác.

Hội thảo Aureole lần thứ 3 với chủ đề “Làm việc nhóm , phát huy sức mạnh tập thể” được tổ chức bởi Tập đoàn Mitani Sangyo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các cơ quan, bộ ngành liên quan và đại diện của các quý doanh nghiệp đến tham dự.

Với chủ đề “Work as a team; Efforts as a Team – Làm việc nhóm, phát huy sức mạnh tập thể”, các bài diễn thuyết trong chương trình Hội thảo đã lần lượt tiếp cận vấn đề xây dựng mô hình làm việc nhóm từ ba hướng: cá nhân nhân viên; Quy trình quản lý chất lương (QC); Môi trường mà doanh nghiệp nên tạo dựng để thúc đẩy, phát triển mô hình làm việc nhóm lâu dài ở Việt Nam.

Phiên thảo luận được dẫn dắt bởi ông Ado Masayuki – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mitani Sangyo một lần nữa lật lại vấn đề phát triển cách làm việc nhóm, cùng các diễn giả và khách mời cùng nhận xét về vấn đề này. 

Tại phiên thảo luận, GS. TS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật đã đề cập đến điều cần cải thiện trong nền giáo dục ở Việt Nam. Dưới góc độ của một học giả nghiên cứu về Việt Nam nhiều năm, GS. TS. Furuta Motoo nhận thấy Việt Nam là một quốc gia có tốc độ cải cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Đây cũng là thách thức đặt ra với giáo dục của Việt Nam, do hiện tại chúng ta chủ yếu tập trung vào đào tạo chuyên ngành hẹp, coi trọng chuyên môn sâu. Do đó, để đạt được mục tiêu dài hạn và tầm nhìn rộng, Việt Nam cần đầu tư cho một hệ thông giáo dục mà ở đó, người học có kiến thức liên ngành, thích nghi tốt với những biến đổi trong môi trường làm việc.

Cũng trong khuôn khổ thảo luận, GS. TS. Furuta Motoo nhấn mạnh đến điểm mạnh của con người Việt Nam và bày tỏ tin tưởng vào hợp tác giữa Nhật Bản – Việt Nam. Theo lời GS. TS. Furuta Motoo, con người Việt Nam rất linh hoạt, cá tính, và nếu biết cách phát huy những lợi thế này, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được mô hình làm việc theo đội nhóm một cách hiệu quả. Ví dụ tiêu biểu như ý tưởng khởi nghiệp của một nhóm học viên Việt Nam tại Trường Đại học Việt Nhật, bằng cách cũng suy nghĩ, bổ sung và làm việc chặt chẽ với nhau, nhóm đã đạt giải ba trong một cuộc thi khởi nghiệp do Đại sứ quán Mỹ tổ chức. Điều này cho thấy mô hình làm việc nhóm là hoàn toàn có tiềm năng triển khai tại Việt Nam. 

Về khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, GS. TS. Furuta Motoo chỉ ra rằng giữa Việt Nam và Nhật Bản mặc dù có những điểm khác biệt nhưng cũng có nhiều điểm chung như nền văn hóa lúa nước và văn hóa chữ Hán. Có thể ví Việt Nam và Nhật Bản như hình ảnh bản tay phải và bàn tay trái, tuy khác biệt nhưng nếu biết cách có thể phối hợp với nhau một cách hoàn hảo.

Hội thảo kết thúc tốt đẹp với sự nhất trí triển khai mô hình hoạt động nhóm và quy trình đảm bảo chất lượng ở Việt Nam của các đơn vị tham dự. Buổi Hội thảo lần này cũng là một sơ hội để các doanh nghiệp, chuyên gia, cùng chia sẻ các vấn đề mà các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đang gặp phải trong việc nâng cao tính tự chủ của các công ty con/ chi nhánh đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời cũng chia sẻ thảo luận về các phương pháp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao sức mạnh không chỉ của cá nhân mà còn của tập thể.

Hoạt động theo nhóm là yếu tố căn bản tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp Nhật Bản. Tại Trường Đại học Việt Nhật, học viên được rèn luyện trong một môi trường nuôi dưỡng khả năng làm việc nhóm, theo đuổi phương châm giáo dục khai phóng và phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu của xã hội Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *