Chiều ngày 22/8/2017, Trường Đại học Việt Nhật – ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức và tổng kết năm học 2016-2017. 

Hội nghị có sự tham dự của Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, đại diện lãnh đạo các Ban chức năng của ĐHQGHN, một số khách mời, Ban Giám hiệu cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Trường Đại học Việt Nhật.

Khai mạc Hội nghị, Hiệu trưởng Furuta Motoo khái quát bức tranh toàn cảnh của Trường Đại học Việt Nhật trong năm học 2016-2017 – “về cơ bản Trường đã hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra” và sự phát triển của Nhà trường đạt được với sự hỗ trợ to lớn từ Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng Nhà trường cũng gặp không ít khó khăn và thách thức khi mới đầu thành lập.

Phó Hiệu trưởng Vũ Anh Dũng tổng kết bức tranh tổng thể trong công tác quản trị đại học của Nhà trường. Trong năm học 2016-2017, năm đầu tiên đi vào vận hành chính thức, Nhà trường áp dụng mô hình quản trị đại học hướng tới áp dụng thực tiễn quốc tế phù hợp (đặc biệt thực tiễn của các đại học hàng đầu Nhật Bản).

Qua đó, nhiều kết quả đã đạt được gồm Lễ khai trường đã được tổ chức trọng thể, đồng thời cũng là Lễ khai giảng với 6 chương trình thạc sĩ đầu tiên ; Cấu trúc tổ chức của Nhà trường đã bước đầu được xây dựng theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, linh hoạt và đi vào hoạt động ổn định; Nhà trường đã thiết lập được hệ thống quy trình, quy định, văn bản quản lý điều hành đảm bảo tính minh bạch, tin cậy trong môi trường có yếu tố quốc tế; Quy trình tuyển dụng giảng viên được xây dựng, bước đầu thu hút được một số giảng viên có năng lực, trình độ về công tác tại Trường; Phát triển nguồn nhân lực đã đạt kết quả vượt bậc (số chuyên gia, giảng viên nước ngoài làm việc tại trường toàn thời gian chiếm khoảng 38% tổng số nhân lực); Nhà trường bước đầu xây dựng và phát huy các giá trị tổ chức như luôn coi chất lượng là hàng đầu, sự tâm huyết cam kết cao của cán bộ, chuyên viên; Phát triển mối quan hệ hợp tác dần đi vào chiều sâu và thực chất với các đối tác đại học và doanh nghiệp Nhật Bản; nhiều sự kiện hoạt động của Nhà trường được tổ chức qua đó hình ảnh của Nhà trường được xã hội biết đến như một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của 2 nước Việt Nam và Nhật Bản thường xuyên đến thăm qua đó thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo và động viên khích lệ tập thể cán bộ, giảng viên và học viên (đáng chú ý gồm Buổi gặp giữa Ban Giám hiệu và học viên Nhà trường với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thầy trò Nhà trường tiếp kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản đến thăm trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với Nhà trường…). Năm học 2016-2017 cũng đánh dấu Trường đã đưa vào sử dụng khu học xá Mỹ Đình được trang bị đồng bộ, hiện đại theo chuẩn Nhật Bản. Dự án đầu tư xây dựng Trường ĐHVN tại Hòa Lạc cũng đã được trình Chính phủ xem xét. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về tài chính, Nhà trường đã tối ưu hóa các nguồn lực hỗ trợ trong dự án hỗ trợ kỹ thuật do JICA cung cấp, nguồn ngân sách cũng như các nguồn khác.

Nhiệm vụ đặt ra cho năm học 2017-2018 cũng rất nhiều trong đó trọng tâm gồm một số nhóm: Thành lập và đi vào vận hành hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường để quyết nghị các vấn đề lớn, đường hướng chiến lược phát triển trường và huy động nguồn lực cần thiết; Tiếp tục thiết lập hệ thống quản trị đại học tiên tiến hướng thực tiễn tốt từ các đại học Nhật Bản; Tuyển dụng đội ngũ giảng viên đạt trình độ quốc tế; Triển khai các bước chuẩn bị cho dự án đầu tư xây dựng Trường ĐHVN tại Hòa Lạc; Huy động nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau trong đó tập trung vào đề xuất Chính phủ phê duyệt Quy chế tài chính đặc thù cho Trường cũng như thu hút nguồn lực từ khối tư nhân.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Oanh đã báo cáo về các mảng công tác Tuyển sinh, Đào tạo, Khoa học Công nghệ & Hợp tác phát triển. Trong năm qua, Trường ĐHVN đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ trong các mảng công tác này. 

Là một trường Đại học công lập được thành lập như một trong các biểu tượng cho mối quan hệ chiến lược sâu rộng giữa 2 quốc gia, Việt Nam và Nhật Bản, bên canh sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ hai nước, Trường có quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều Đại học hàng đầu Nhật Bản cùng với sự bảo trợ của ĐHQGHN trong việc huy động các nguồn lực để đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là nguồn lực giảng viên trình độ tương đương với giảng viên các Đại học hàng đầu Nhật Bản. Trong năm 2016, ĐHQGHN đã ký MOU với 06 Đại học Nhật Bản về việc hợp tác trong đào tạo và khoa học công nghệ tại Trường ĐHVN và trong năm 2017, Trường ĐHVN đã dần triển khai các hoạt động hợp tác phát triển với việc ký thỏa thuận hợp tác chi tiết với Đại học Osaka, với một số tổ chức, cơ quan Việt Nam và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục ký thỏa thuận hợp tác với một số Đại học Nhật Bản. Bên cạnh đó, trong thời gian qua Trường cũng nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và cơ quan, tổ chức Việt Nam. Nhiểu suất học bổng (~ 30 suất) hỗ trợ học phí toàn phần và bán phần cùng nhiều cơ hội thực tập đã được các doanh nghiệp Nhật Bản trao cho các học viên cao học của Trường. Quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường Đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp Nhật Bản là yếu tố làm nên sự khác biệt trong các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ của tại trường.

Với triết lý giáo dục khai phóng và phát triển bền vững, đào tạo được xác định là công tác then chốt trong giai đoạn đầu tiên hình thành trường. Đảm bảo chất lượng là yếu tố tiên quyết, được thể hiện xuyên suốt trong các hoạt động tuyển sinh và đào tạo tại Trường. Ngay từ khâu tuyển sinh bằng hình thức xét hồ sơ và phỏng vấn, để có thể trúng tuyển vào Trường, các thí sinh đã phải thể hiện kiến thức, năng lực tư duy của mình bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật (với định hướng Nhật Bản học) trước một hội đồng phỏng vấn bao gồm các giáo sư Nhật Bản và Việt Nam. Người dạy và người học luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các hoạt động đào tạo. Chương trình đào tạo chất lượng cao được giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh với đội ngũ hàng trăm giáo sư, nhà khoa học, giảng viên của Trường ĐHVN, ĐHQGHN và các Đại học đối tác Nhật Bản. Số lượng giảng viên Nhật Bản đã đảm nhiệm khoảng 60% các học phần chuyên môn trong năm học 2016-2017. Bên cạnh các hoạt động đào tạo chính khóa, các học viên của Trường ĐHVN được tham gia các hoạt động thực tập, thực tế và ngoại khóa rất phong phú. Một chuỗi các bài giảng mở, seminar ở cả 3 cấp độ (cấp trường, cấp chương trình đào tạo, cấp học phần) được triển khai với nhiều diễn giả là các chính trị gia, các chủ tịch tập đoàn toàn cầu, các nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành. Các hoạt động thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam, các trung tâm nghiên cứu, các vùng nghiên cứu trong toàn quốc đã được thực hiện liên tục trong suốt năm học. Trường cũng đón nhiều đoàn quan khách, doanh nghiệp, sinh viên Nhật Bản đến giao lưu với thầy và trò nhà trường. Kết quả học tập trong năm học 2016-2017 của khóa thạc sĩ đầu tiên rất khả quan với tất cả các học viên được xếp hạng từ khá đến xuất sắc. Đáng chú ý trong năm học vừa qua học viên của Trường đã tham gia và dành thứ hạng cao (01 giải nhất và 01 giải ba) tại một số cuộc thi khởi nghiệp uy tín. Công tác tuyển sinh khóa 2 đã được triển khai thành công với việc thu hút một lượng lớn người quan tâm tới các chương trình thạc sĩ, tổng số hồ sơ đăng ký dự tuyển là 169 hồ sơ và gần 100 học viên đã nhập học trên 120 thí sinh trúng tuyển. Chất lượng thí sinh dự tuyển khóa 2 được đánh giá cao với hầu hết ứng cử viên tốt nghiệp Đại học loại khá giỏi, trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng được yêu cầu ngôn ngữ của các chương trình đào tạo. Trong năm học 2017-2018, Trường chú trọng triển khai tốt các CTĐT hiện hành và mở mới 03 CTĐT Thạc sĩ (Biến đối khí hậu và phát triển; Lãnh đạo toàn cầu; Khoa học nông nghiệp và thủy sản) cùng với việc chuẩn bị mở các CTĐT bậc Đại học và Tiến sĩ từ năm 2019.

Về các hoạt động Khoa học Công nghệ, trong giai đoạn đầu hình thành Trường, các hoạt động nghiên cứu được xây dựng để tạo nền tảng học thuật vững chắc cho công tác đào tạo Thạc sĩ, hướng tới đào tạo Tiến sĩ từ năm 2019. Cùng tầm nhìn trở thành một trường Đại học hàng đầu Châu Á, Trường ĐHVN định hướng các hoạt động nghiên cứu vào 2 lĩnh vực: Kỹ thuật – Công nghệ tiên tiến và Khoa học liên ngành. Năm học 2016 – 2017 là giai đoạn khởi tạo trong xây dựng các hoạt động Khoa học Công nghệ tại Trường với một số thành quả bước đầu: 11 bài báo trong danh mục ISI được công bố trong năm. Năm học 2017 – 2018 được coi là năm bản lề trong phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng nghiên cứu. Trường tập trung xây dựng và phát triển nhân sự cho hoạt động nghiên cứu với nòng cốt là giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia JICA, tận dụng sự hỗ trợ của các Đại học đối tác cùng với khai thác các nguồn quỹ nghiên cứu để thực hiện các hoạt động nghiên cứu. Đặc biệt Trường chú trọng mở rộng hợp tác với các đối tác doanh nghiệp theo mô hình nghiên cứu phối hợp và đặt hàng. Theo kế hoạch trong năm 2017 – 2018, Trung tâm nghiên cứu Khoa học bền vững sẽ bắt đầu được xây dựng. Dự kiến tới năm 2018 – 2019 Trường sẽ hoàn thiện việc xây dựng môi trường học thuật, các điều kiện phục vụ nghiên cứu và bước đầu thúc đẩy mạnh mạnh mẽ trong hoạt động Khoa học Công nghệ.

Nối tiếp chương trình, thay mặt Công đoàn Trường, Chủ tịch Công đoàn – TS. Phạm Tiến Thành báo cáo công tác Công đoàn trong năm học 2016 – 2017. Tuy mới thành lập nhưng Công Đoàn Trường Đại học Việt Nhật đã có nhiều hoạt động đảm bảo đời sống tinh thần và xây dựng môi trường làm việc cho cán bộ, công nhân viên chức; phối hợp tốt với các công đoàn viên và các cơ quan ban ngành; tham gia đầy đủ các hoạt động triển khai bởi Bộ Giáo dục và Công đoàn ĐHQGHN. 
 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *