Ngày 18 – 19/6/2017, GS Nguyễn Đình Đức Giám đốc chương trình, GS.TS. Hironori Kato (ĐH Tokyo) – đồng Giám đốc chương trình, TS Phan Lê Bình (JICA) và các học viên khóa I trong Chương trình Kỹ thuật hạ tầng, Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN đã đi thăm 3 công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh, được triển khai từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Mục đích chủ yếu của chuyến thăm quan là đem đến cho các học viên trải nghiệm và quan sát thực tế, trực tiếp trên công trường thi công doanh nghiệp, đồng thời mở rộng, kết nối mối quan hệ giữa Trường Đại học Việt Nhật với các đơn vị xây dựng Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam.
Địa điểm đầu tiên là công trình xây dựng cầu Bình Khánh. Đây là công trình cầu dây văng bê tông dư ứng lực có khẩu độ nhịp lớn nhất là 375m, chỉ đứng sau cầu Bãi Cháy. Phần móng của trụ cáp được xây dựng với công nghệ tường vây cọc ống thép, là một công nghệ tiên tiến do Nhật Bản phát triển và đang áp dụng tại nhiều công trình xây dựng cầu ở nhiều nước trên thế giới.
Những ống thép (gọi là cọc ống thép) có đường kính khoảng 1,5m, dày 15-18mm đóng sâu xuống lòng đất cho đến khi chạm vào tầng chịu lực ở độ sâu 40-60m. Các ống thép được liên kết chắc chắn với nhau để tạo thành một tường vây, ngăn nước sông để tạo thành một không gian khổng lồ to khoảng bằng 2 lần sân tennis để thi công trụ cầu. Công nghệ tiên tiến này giúp rút ngắn rất nhiều thời gian thi công so với công nghệ làm tường vây bằng ván thép truyền thống, đồng thời giảm tiết diện giếng thi công, ít ảnh hưởng đến dòng chảy của sông. Công nghệ này đã được áp dụng thi công ở các cầu lớn khác tại Việt Nam như cầu Bính, Cầu Bãi Cháy, cầu Nhật Tân, v.v.
Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn Trường Đại học Việt Nhật là công trình xây dựng hầm Metro tuyến số 1 của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một đại công trình, dài gần 20 km từ Bến Thành đến Suối Tiên, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương), với vốn đầu tư lên đến hơn 2,4 tỉ USD.
Phần đi ngầm được xây dựng với công nghệ khiên đào, công nghệ này sử dụng những “mũi khoan” có kích thước khổng lồ, đường kính khoảng 7m đối với trường hợp khoan hầm cho metro và khoảng 16m đối với hầm đường bộ. Điểm khác biệt quan trọng so với phương pháp đào hở là giảm thiểu được rất nhiều việc chiếm dụng mặt đường khi thi công đào hầm nên ít gây ảnh hưởng xấu về ùn tắc giao thông khi thi công trong đô thị. Đồng thời còn giảm tiếng ồn, bụi bẩn trong quá trình thi công đối với khu vực lân cận. Đặc biệt thích hợp trong trường hợp đào hầm ở những vị trí có độ sâu lớn, không thể thi công đào hở. Thi công đào đến đâu sẽ lắp các phiến bê tông dự ứng lực cường độ cao để hình thành đường hầm Metro dưới lòng đất luôn đến đó. Cách làm này giúp chống đỡ áp lực đất và nước ngầm, giảm thiểu tối đa khả năng sụt lún những công trình lân cận, đồng thời các thành bê tông này cũng được sử dụng để làm tựa kích cho các pit tông đẩy mũi khoan tiến lên thi công đoạn hầm tiếp theo. Công nghệ tiên tiến này giúp giảm sức người, tăng tính an toàn, đồng thời tăng năng suất thi công. Đến ngày 19/6/2017 đã thi công được 12 mét đầu tiên đường hầm dưới lòng đất bằng công nghệ này (trong tổng số khoảng 2,4 km đường Metro ngầm dưới đất cần thi công, còn lại là các đoạn chạy trên mặt đất).
Cuối cùng, đoàn Trường Đại học Việt Nhật đã tới thăm công trình cải thiện môi trường nước của thành phố Hồ Chí Minh.
Công trình có ứng dụng công nghệ khoan kích ống được ứng dụng khi thi công đường ống ngầm cấp nước hoặc thoát nước trong đô thị, với các ống nhỏ hơn, nhưng đa dạng hơn so với hầm giao thông. Đường kính “mũi khoan” có thể là 30cm, 50cm, đến 120cm hoặc 180cm. Điểm khác biệt so với công nghệ khoan hầm Metro là sau khi mũi khoan đi sâu vào lòng đất thì những đốt ống dài khoảng 2,5m được kích đẩy tiến lên theo để tạo thành đường ống liên tục. Ngoài công nghệ khoan, công nghệ trắc đạc tiên tiến cũng được áp dụng vào đây để giúp điều chỉnh hướng mũi khoan được chính xác, có thể uốn lượn trong lòng đất trong quá trình khoan chứ không chỉ khoan theo đường thẳng. Công nghệ này cũng giúp tiết kiệm thời gian thi công, giảm thiểu tối đa việc chiếm mặt đường, giảm tác động tiêu cực đến giao thông so với phương pháp đào hở, và đặc biệt là có thể thi công ở độ sâu 5-6m hoặc sâu hơn nữa, tránh ảnh hưởng đến những công trình ngầm khác có sẵn trong đô thị như đường điện, điện thoại, nước v.v.
Chuyến đi thực địa nằm trong chuỗi các hoạt động thực tiễn phục vụ mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Việt Nhật. Với nỗ lực thường xuyên đưa trải nghiệm thực tế môi trường doanh nghiệp tại địa phương thông qua hoạt động điền dã, đi thực địa, cùng với nhiều hội thảo đa dạng trong chuyên đề, khách mời, chuyên gia giàu kinh nghiệm…, các học viên tai Trường Đại học Việt Nhật luôn có cơ hội học tập ngoài giảng đường và tích lũy kiến thức từ thực tế.