Trong hai ngày 16/08 và 17/08/2024 vừa qua, Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt đã được tổ chức trọng thể tại TP. HCM. Đây là sáng kiến của Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. HCM (HPDF) do bà Tôn Nữ Thị Ninh – Cựu Đại sứ Việt Nam bên cạnh EU và tại Bỉ – làm chủ tịch.

Với nhận định: sau 50 năm tái thiết và phát triển, một thời khắc hay vận hội mới đang đến với đất nước và con người Việt Nam, vì vậy Diễn đàn được tổ chức nhằm:

• Khuyến khích, tăng cường sự kết nối, tương tác và giao lưu giữa cộng đồng người Việt Nam ở trong nước và hải ngoại.
• Lan tỏa những câu chuyện thành công của người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ trên khắp thế giới, qua đó góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam.
• Cổ vũ việc nắm bắt thời vận để nhận diện và khẳng định thương hiệu Việt Nam.

 

GS. TS. Furuta Motoo, nhà Việt Nam học hàng đầu Nhật Bản, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật (VJU) – ĐHQGHN đã tham dự Diễn đàn với tư cách diễn giả khách mời tại Phiên toàn thể, mở đầu bằng Báo cáo và Trao đổi về Khảo sát Thương hiệu Đất nước & Căn tính Việt. Trong phiên họp này, GS. Furuta đã hoan nghênh đề xuất của Ban Tổ chức khi chọn Con người Việt Nam kiên cường, dễ thích ứng và yêu hòa bình là thương hiệu Việt Nam. Giáo sư nhấn mạnh:

“Việt Nam hiện nay khác hẳn so với Việt Nam thời kỳ kháng chiến và Việt Nam thời kỳ bao cấp. Nhưng thương hiệu đất nước hiện nay không thể đoạn tuyệt với lịch sử mà phải kế thừa lịch sử, đồng thời phù hợp với thời đại. Ở khía cạnh này, tôi thấy người Việt Nam có đủ tư cách hòa bình như đề xuất. Ban tổ chức nêu rõ trong báo cáo Khảo sát, Việt Nam đã từng chịu đựng quá nhiều hy sinh gian khổ bởi các cuộc chiến tranh để giành được độc lập. Nhìn lại lịch sử thế kỷ 20 thì rõ ràng Việt Nam là một trong những nước chịu hậu quả lớn nhất trên thế giới do chiến tranh gây ra. Qua những trải nghiệm đau thương đó, người Việt Nam hiểu sâu sắc ý nghĩa to lớn của hòa bình. Nhưng ‘tư cách hòa bình’ tôi đề cập đến ở đây, đó không chỉ là sản phẩm của quá khứ mà còn ngay cả ở hiện tại. Sau khi giành được hòa bình hơn 30 năm nay, Việt Nam đạt được phát triển nhanh và bền vững, và đã vận dụng phương pháp ‘ngoại giao cây tre’ để có được môi trường quốc tế ổn định, tập trung sức lực vào phát triển đất nước. Kinh nghiệm này lại cho thấy giá trị của hòa bình trong bối cảnh xung đột khu vực, tranh chấp sắc tộc, đối đầu nước lớn và trật tự thế giới ngày càng phân cực đang ngày một gia tăng. Và Việt Nam là một nước có đủ tư cách hòa bình trong thời đại ngày nay. Tôi tin chắc người Nhật Bản sẽ ủng hộ mạnh mẽ ‘thương hiệu yêu hòa bình’ của Việt Nam. Là vì ‘nhà nước hòa bình’ cũng chính là thương hiệu đất nước cơ bản nhất của Nhật Bản sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc… Tôi hy vọng Việt Nam và Nhật Bản với tư cách là ‘quốc gia hòa bình’ sẽ cùng nhau hợp tác để mang lại hòa bình ổn định cho khu vực và thế giới.”

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *