Trung tuần tháng 3 vừa qua, Chương trình Thạc sĩ Biến đổi Khí hậu và Phát triển (MCCD) đã tổ chức Online Open Campus 2021. Khách mời là các Diễn giả “nặng ký” đến từ tổ chức Phi chính phủ (PanNature), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kinh tế xã hội Cần Thơ và các chuyên gia BĐKH của MCCD.
Hội thảo tạo ra nền tảng trực tuyến để sinh viên và các đối tượng quan tâm tương tác và đặt câu hỏi sâu cho các chuyên gia, người sử dụng lao động về cơ hội, thách thức của ngành BĐKH; trong đó không thể thiếu được gói hành trang cần thiết để học viên MCCD chớp được các cơ hội phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường.
Học viên MCCD cần được trang bị các kĩ năng gì?
Theo các chuyên gia, BĐKH thuộc lĩnh vực liên ngành, do đó, giải quyết các vấn đề liên quan đến BĐKH là một nỗ lực cần sự tham gia của nhiều bên liên quan. Điều này tạo ra các thách thức không nhỏ cho học viên MCCD, bởi để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này, họ cần tự trang bị vốn kiến thức nền sâu rộng, đa chiều và đặc biệt cần sự dấn thân trong nghề.
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu – Trưởng phòng Quản trị tài nguyên của Pan Nature – một tổ chức Phi chính phủ Việt Nam chuyên thực hiện các dự án về bảo tồn thiên nhiên, học viên ngành BĐKH cần được trang bị ba nhóm kỹ năng sau:
+ Về lĩnh vực vận động chính sách: cần những học viên có khả năng nghiên cứu, đánh giá; có kỹ năng phản biện và hiểu biết về chính sách của Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực BĐKH; có khả năng tổ chức/ thực hiện các nghiên cứu trong thực tế.
+ Về các hoạt động cấp cộng đồng: yêu cầu học viên có kỹ năng làm việc với người dân; có khả năng kết nối giữa người dân với chính quyền địa phương; có kỹ năng hiện trường tốt. Điều này rất hữu ích khi làm việc với bà con tại các thôn, bản, các vùng ven biển, miền núi chịu ảnh hưởng của BĐKH.
+ Kỹ năng truyền thông: biết viết bài, biết sử dụng các kênh truyền thông để đưa thông điệp đến người dân hoặc từ người dân đến cơ quan chức năng.
Cơ hội nào cho các học viên MCCD?
Tại Hội thảo trực tuyến, TS. Tăng Thế Cường – Cục Trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng giống các nước khác, Việt Nam trước đây dựa vào lao động giá rẻ, thì nay đã thay đổi phương thức kinh doanh, sản xuất từ nâu sang xanh: xuất hiện các nhà đầu tư xanh, các dự án xanh, tài chính xanh, trái phiếu xanh… và thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế sang cacbon thấp, dẫn đến yêu cầu về một nguồn nhân lực mới: Nguồn nhân lực về BĐKH. “Nguồn nhân lực về BĐKH này phải được trang bị kiến thức một cách toàn diện, có khả năng nắm bắt được các xu hướng mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới”, ông cho biết.
Nhu cầu việc làm tại các lĩnh vực sẽ có sự chuyển dịch, với nhiều nhu cầu việc làm mới về lĩnh vực BĐKH được sinh ra kèm theo những thay đổi yêu cầu về công việc, cụ thể là:
+ Trong lĩnh vực kỹ thuật: Nhu cầu về kỹ sư xanh, các kỹ sư trong lĩnh vực BĐKH ngày càng tăng cao, và trong thời gian tới khi tác động của BĐKH ngày càng gia tăng thì các công ty, tập đoàn sẽ chủ động tìm kiếm các kỹ sư có kiến thức, có tình độ, hiểu biết về BĐKH để hỗ trợ doanh nghiệp cái tiến quy trình kỹ thuật, để sản xuất nhằm thích BĐKH, duy trì tăng trưởng của công ty nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của quốc gia.
+ Trong lĩnh vực kinh tế – tài chính: BĐKH tạo ra sân chơi tài chính mới như thị trường cacbon, trái phiếu xanh. Đây là cơ hội đầu tư sinh lời cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư nhỏ lẻ. Để nắm bắt được cơ hội này, cần phải có kiến thức về BĐKH, về các định chế tài chính mới, đồng thời cần có những học viên được đào tạo có vốn ngoại ngữ tốt để tham gia giao dịch với thị trường quốc tế. Việc phát triển thị trường cacbon đã được quy định tại một điều trong luật BVMT 2020 (Điều 139 – tổ chức phát triển thị trường cacbon), khi đó đòi hỏi có các đơn vị tư vấn, môi giới để phát triển thị trường cácbon.
+ Thực hiện các quy định của thỏa thuận Paris, COP: Yêu cầu một đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn sâu, đáp ứng và cập nhật quy định mới như cập nhật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc thẩm định MRV. Hiện nay, doanh nghiệp VN phải thực hiện cam kết thỏa thuận Paris, cần có kế hoạch và đề ra mức giảm nhẹ. Để thẩm định mức giảm phát thải và kiểm kê phát thải thì cần 1 đội ngũ chuyên môn để thẩm định.
+ Thích ứng BĐKH là công tác quan trọng, nhất là về mảng kỹ thuật thích ứng. Các địa phương cần nhiều kỹ thuật thích ứng BĐKH, cần sự chia sẻ của các nhà khoa học về mô hình thích ứng BĐKH thông minh vì dự như thích ứng dựa vào hệ sinh thái, cộng đồng…
+ Quản trị, xây dựng chính sách: Hành lang pháp lý về BĐKH đã được hình thành (luật BVMT 2013, 2020), có các nội dung bao quát, đầy đủ, chi tiết. Hiện nay Cục BĐKH đang xây dựng các Nghị định, Thông tư về nội dung BĐKH trong Luật. Trong thời gian tới các Bộ ngành tiếp tục xây dựng các văn bản quản lý về ứng phó BĐKH -> có nhu cầu về nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động này để giúp văn bản đi vào thực tiễn.
Cơ hội mới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu rất đa dạng, nhưng “đòi hỏi sự tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, yêu cầu kết hợp lý thuyết và thực tiễn”.
Một đại biểu từ miền Trung, ông Võ Minh Cảnh – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội Cần Thơ cũng cho rằng, các địa phương cần nhiều nhân lực về BĐKH. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay, BĐKH cần được lồng ghép vấn đề BĐKH với:
+ Đối với lĩnh vực nông nghiệp: ngoài nghiên cứu về tác động của BĐKH còn phải nghiên cứu về các giống cây trồng thích ứng BĐKH
+ Về xây dựng: Cần nghiên cứu về các vật liệu thích ứng ngập nước, sụt lún
+ Để phát triển ĐBSCL cần lưu ý cả việc chế biến sau thư hoạch để sản phẩm của khu vực được vươn ra thế giới
+ Tham gia tư vấn lập quy hoạch tích hợp (theo Luật quy hoạch) do nhu cầu này rất cần nguồn nhân lực, do 63 tỉnh thành hiện nay mới chỉ dừng ở lập nhiệm vụ quy hoạch
Hội thảo Online của MCCD, diễn ra trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc xã hội do dịch Covid 19, đã mang lại một cái nhìn bao quát về cơ hội và thách thức của những người trẻ, yêu thích ngành Biến đổi khí hậu và Phát triển và muốn thử thách bản thân mình.