Chiều ngày 16/10/2017 – GS.TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN đã có bài tham luận tại Hội thảo Giáo dục khai phóng: Hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam được tổ chức bởi Trường Đại học Việt Nhật và Đại học Fulbright Việt Nam.

Trong bài phát biểu khai mạc, GS. TS. Furuta Motoo đã giới thiệu về bối cảnh xã hội và câu chuyện giáo dục khai phóng tại Nhật Bản và Việt Nam. Thế giới ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề như bùng nổ dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, AI hóa, toàn cầu hóa…và giáo dục khai phóng nổi lên như một giải pháp giáo dục đào tạo người học khả năng thích ứng với xã hội nhiều biến động.

Những năm 90 của thế kỷ trước, Nhật Bản từng ưa chuộng giáo dục chuyên môn, hầu hết các đại học trong giai đoạn này đều tập trung vào công nghệ. Tuy nhiên, đến năm 2004, trước xu hướng toàn cầu hóa và nhu cầu đào tạo nhân tài phát huy tài năng của mình trong bối cảnh đa văn hóa, giáo dục khai phóng đã “hồi sinh” mạnh mẽ tại Nhật Bản.

Giáo dục khai phóng từng xuất hiện ở Việt Nam với thí điểm Trường Đại cương thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1990 nhưng thất bại do nhiều thiếu sót trong khâu tổ chức – quản lý. Dù vậy, đứng trước nhiều thách thức trong một thế giới biến đổi không ngừng, giáo dục khai phóng sẽ là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam bằng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng trước những yêu cầu của thời đại.

Cùng Chủ tịch Trường ĐH Fulbright Việt Nam – bà Đàm Bích Thủy; Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT – GS. Lâm Quang Thiệp; Giáo sư Trường ĐH Arkansas – GS. Randall Woods; Đồng sáng lập Học viện Yola – chị Ngô Thùy Ngọc Tú; GS.TS. Furuta Motoo tham gia thảo luận bàn tròn về giáo dục khai phóng.

Thắc mắc về giá trị của giáo dục khai phóng là câu hỏi chung của rất nhiều người, đặc biệt là khi chủ đề giáo dục khai phóng và giáo dục chuyên môn vẫn gây nhiều tranh cãi. Theo GS.TS. Furuta Motoo, “Đánh giá hiệu quả của nó không phải dễ dàng. Những nhân viên có chuyên ngành hẹp sẽ được đánh giá cao hơn những người được đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, sau thời gian dài cống hiến và nỗ lực, những người có tầm nhìn rộng sẽ vượt trội hơn trong quá trình phát triển nghề nghiệp, bởi họ thể hiện được yếu tố của những nhà lãnh đạo, có tầm nhìn rộng để nắm bắt các cơ hội và mang lại giá trị lâu dài cho bất kỳ tổ chức nào.

Ngoài ra, giáo dục khai phóng cũng đem lại cho người học khả năng tự học, thích nghi cao trong nhiều môi trường khác nhau, và kiến thức bao quát trong nhiều lĩnh vực. Hiểu được những giá trị vô giá mà giáo dục khai phóng mang lại, Đại học Tokyo đã gìn giữ các bộ môn khoa học xã hội và duy trì, phát triển Trường Đại học Đại cương với tinh thần của giáo dục khai phóng. Tới nay, Đại học Tokyo đã trở thành ngôi trường mẫu mực về giáo dục khai phóng tại Nhật Bản, và Đại học Tokyo cũng là hình mẫu đặc sắc mà Trường Đại học Việt Nhật tham khảo trong quá trình xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo của Trường.

Chia sẻ luận điểm cùng với những diễn giả có mặt trong hội thảo là rất nhiều khách mời là lãnh đạo của nhiều trường đại học, chuyên gia giáo dục và những người tham dự đến từ nhiều doanh nghiệp lớn, có chung mối quan tâm đến giáo dục khai phóng. Trong đó, GS. Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã có phát biểu về giáo dục khai phóng từ chính kinh nghiệm học tập và giảng dạy của bản thân. Là một người đã trải nghiệ nhiều nên giáo dục khác nhau, ở những quốc gia khác nhau, GS. Phạm Quang Minh đề cao giáo dục khai phóng, nhưng vẫn khẳng định người học cần được cung cấp một chuyên ngành để định hướng tốt hơn sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, GS. Phạm Quang Minh cũng cho rằng để nền giáo dục Việt Nam có thể tiếp nhận giáo dục khai phóng, chương trình đào tạo ở bậc Đại học cần phải thay đổi, cụ thể là dành số tín chỉ nhiều hơn cho các môn tự chọn cùng hoặc khác chuyên ngành để tăng thêm hứng thú cho sinh viên.

GS.TS. Furuta Motoo đồng ý với ý kiến từ TS. Giáp Văn Dương – chuyên gia giáo dục, người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục khai phóng, rằng giảng viên dạy trong hệ thống giáo dục khai phóng phải là người không chỉ có trình độc học vấn uyên thâm, hiểu biết rộng, liên ngành, mà còn phải thấm nhuần giá trị mà hệ thống giáo dục khai phóng mang lại. Chính những người thầy được nuôi dưỡng trong hệ thống giáo dục khai phóng sẽ là đội ngũ truyền cảm hứng cho những thế hệ người học tiếp theo, và mở rộng hệ thống này tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung.

Trả lời một câu hỏi đến từ phía doanh nghiệp về ưu điểm của giáo dục khai phóng và cơ hội mà giáo dục khai phóng đem lại trong các doanh nghiệp, GS.TS. Furuta Motoo thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng doanh nghiệp là một yếu tố không thể thiếu đóng góp vào sự thành công của giáo dục khai phóng và cần hiểu rõ về triết lý giáo dục đặc biệt này. Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay rất hoan nghênh mô hình giáo dục khai phóng, bởi sản phẩm của giáo dục khai phóng sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao với tầm nhìn rộng và năng lực thích ứng cao, cụ thể như: khả năng giao tiếp; tính chủ động; khả năng giải quyết vấn đề, tư duy logic… hơn là nhân lực chỉ có kỹ năng chuyên môn trong một số lĩnh vực riêng lẻ.

Đặc biệt, khi cộng đồng ASEAN phát triển, giáo dục khai phóng sẽ là một lợi thế trong quá trình cạnh tranh với nguồn nhân lực đến từ các quốc gia khác. Tại Tầm nhìn ASEAN 2020, được thông qua 12/1997, Các nhà lãnh đạo ASEAN đã định hướng ASEAN sẽ hình thành một Cộng đồng, trong đó nguồn lao động có tay nghề cao sẽ được luân chuyển tự do. Điều này đồng nghĩa với việc lao động Việt Nam có thể dễ dàng ứng tuyển vào các doanh nghiệp trong khu vực, không chỉ ở Việt Nam. Với những giá trị cần thiết mà giáo dục khai phóng đem lại, người lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có lợi thế và tự tin hơn khi vươn mình ra khu vực và quốc tế.

Như vậy, với sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều lãnh đạo các trường Đại học như Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Akansas (Mỹ), v.v., những chuyên gia giáo dục, những nhà hoạt động trong nền giáo dục, cùng đại diện đến từ các doanh nghiệp, đã tạo nên một Hội thảo thành công và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về giáo dục khai phóng.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *