“Đối với tôi, Việt Nam là một quốc gia đặc biệt. Tôi từng đến Việt Nam làm công tác xã hội, vì vậy tôi có thể nói được Tiếng Việt. Lúc ấy tôi 23 tuổi, tôi thấy mình chưa thể giúp gì nhiều cho người nông dân Việt Nam. Vì thế, tôi quyết định mình phải học thêm để có thể quay trở lại giúp đỡ nông dân nơi đây.” – GS. Masafumi Nagao chia sẻ trong tiếng vỗ tay của tất cả học viên khóa II, Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN.

Đến Việt Nam lần này, GS. Masafumi Nagao không phải trong vai trò của một tình nguyện viên như 50 năm về trước, mà là một giảng viên truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ những dự án tới thế hệ trẻ của Việt Nam.

Điều quan trọng nhất đối với môn học “Khoa học bền vững cơ bản” là người học phải có hiểu biết nhất định về Khoa học bền vững.

Trong khoa học bền vững có hai xu hướng khác biệt: Khoa học về sự bền vững và Khoa học vì sự bền vững. Xu hướng đầu tiên – Khoa học về sự bền vững – mang tính lý thuyết với các nghiên cứu về nguyên lý, nền tảng của sự bền vững. Khoa học vì sự bền vững là xu hướng thực tiễn, trong đó có nghiên cứu về phát triển bền vững thuộc xu hướng này.

Nghiên cứu về phát triển bền vững được chia ra hai khía cạnh: Phát triển bền vững vì ai? (Kết quả) và Phát triển bền vững được thực hiện bởi ai? (Quá trình).

Thế giới đã có nhiều chương trình, hội nghị liên quan đến phát triển bền vững, thể hiện rõ hai khía cạnh của lĩnh vực này. Năm 1987, Ủy ban Brundtland đề cập đến phát triển bền vững để các thế hệ – thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai – đều có thể được tiếp cận với lượng tài nguyên thiên nhiên như nhau (Vì ai? – Kết quả). Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Rio đưa phát triển bền vững lên bàn nghị sự với mong muốn các nhóm người trong một thế hệ đều có cơ hội tiếp cận với nguồn tài nguyên (Vì ai? – Kết quả). Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg bàn đến việc ai sẽ là người thực hiện phát triển bền vững (Bởi ai? – Quá trình) . Năm 2012, Hội nghị thượng đỉnh Rio + 20 đã kết luận rằng phát triển bền vững không phải là việc của riêng các quốc gia đang phát triển, mà cần có sự tham gia của các quốc gia trên toàn thế giới (Bởi ai? – Quá trình). Đến năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh Phát triển Bền vững, SDGs ( Các mục tiêu phát triển bền vững) đã được đề ra.

SDGs được coi là khởi đầu mới trong những nỗ lực hướng tới phát triển bền vững. Đằng sau 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu của SDGs là những giá trị cốt lõi: Phát triển xanh, toàn diện và có khả năng thích ứng; Bền vững ở mức độ toàn cầu; Quản trị thông qua hợp tác nhiều bên. Bằng việc tiếp nhận SDGs, chúng ta chứng kiến nhiều sự thay đổi của xã hội, trong đó, việc dành ra thời hạn lâu dài hơn cho kế hoạch phát triển và hoạch định chiến lược (15 năm); thay đổi tư duy từ chuyên ngành, đa ngành sang liên ngành và vai trò ngày càng lớn của khoa học, là những thay đổi đáng chú ý.

Xu hướng phát triển bền vững mạnh mẽ, đang diễn ra trên toàn cầu, đòi hỏi sự thay đổi của các thực thể, cá nhân trong xã hội, bao gồm cả các trường Đại học.

GS. Masafumi Nagao chia những thử thách mà giáo dục Đại học gặp phải trong bối cảnh hiện nay thành 3 mảng: thử thách về chức năng; thử thách về cơ cấu; thử thách về tổ chức. Các thử thách này chủ yếu là những vấn đề mà nhiều Đại học đang và sẽ phải cân nhắc. Ví dụ, nói đến thử thách về mặt chức năng của trường Đại học, trước đây, trường Đại học có thể chỉ theo đuổi 1 trong 3 chức năng: Nghiên cứu, Giáo dục hoặc Phục vụ cộng đồng, nhưng do các vấn đề nổi lên ngày càng phức tạp, nên trường Đại học cần thực hiện cả 3 chức năng trên. Thậm chí trong 3 chức năng này, trường Đại học cần phải quyết định giữa những định hướng truyền thống và định hướng mới theo nhu cầu của xã hội, như: nghiên cứu học thuật hay nghiên cứu thực tiễn, giáo dục trọng chất hay lượng, giáo dục chuyên ngành hay toàn diện, đánh giá theo tiêu chuẩn của trường Đại học hay của xã hội, v.v.

Để giải quyết được những thách thức trên, trường Đại học cần có những cải cách, dựa trên các tiền đề:

– Chủ động thay đổi trong trường Đại học để góp phần đạt được những yêu cầu và nhu cầu của bền vững toàn cầu.

– Chú trọng vào việc truyền đạt cho thế hệ trẻ, bao gồm những nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và doanh nhân tương lai, một nhận thức mới, khả năng lãnh đạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ và cải tiến.

Trong những cải cách được đề cập, GS. Masafumi Nagao nhấn mạnh đến việc tiếp cận liên ngành của các Đại học, cải cách tổ chức trong trường Đại học, giúp những nhóm nghiên cứu có thể vượt qua khuôn khổ nghiên cứu trong trường Đại học, đi vào thực tế xã hội để nghiên cứu.

Kết luận bài giảng, GS. Masafumi Nagao khẳng định: Tất cả những cải cách trong trường Đại học đều vì mục đích để giáo dục đại học có thể thực hiện vai trò chiến lược của mình trong ‘thời kỳ phát triển bền vững’. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt và các bạn học viên tại VJU “nên tự hào vì mình sẽ là thế hệ dẫn dắt quá trình phát triển bền vững này”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *