Cụ thể, Tổ công tác tham gia xây dựng Chương VII – Ứng phó với Biến đổi khí hậu gồm 38 Điều, trong đó có những nội dung hoàn toàn mới, lần đầu tiên đưa vào Luật để đảm bảo tính cập nhật với các Điều khoản quốc tế và có so sánh, tham chiếu với Luật BĐKH của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các Điều khoản mới mà nhóm đề xuất đưa vào Luật gồm: An ninh Khí hậu; Đánh giá rủi ro khí hậu; Giám sát, cảnh báo về BĐKH; Liên kết ngành, vùng trong ứng phó BĐKH.
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Việt Nhật gồm GS. Mai Trọng Nhuận, Trưởng nhóm – chuyên gia cao cấp, TS. Nguyễn Văn Quang – chuyên gia về BĐKH; TS. Hoàng Thị Thu Duyến – chuyên gia về Môi trường; TS. Akihiko Kotera – Tư vấn về Luật BĐKH bên Nhật Bản; ThS. Bùi Thị Hoa – Thư ký. Kết thúc dự án, trong cuộc họp 03 bên giữa Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội (Đại diện là Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng), Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Đại diện là Bộ trưởng Trần Hồng Hà) và nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Việt Nhật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đã đánh giá cao những đóng góp của nhóm chuyên gia đối với việc xây dựng các điều khoản trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Nhiều ý kiến của nhóm nghiên cứu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường lồng ghép vào Dự thảo Luật.
Tháng 5 vừa qua, các giảng viên MCCD cũng tham gia Tổ công tác xây dựng Tham luận “Biến đổi khí hậu và tai biến thiên nhiên ở thành phố Cần Thơ: Thực trạng, quan điểm và giải pháp” phục vụ Hội thảo tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW “Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Ban Kinh tế Trung ương. Đây là một đóng góp quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp giảm thiểu các tác động của tai biến liên quan do biến đổi khí hậu nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội Thành phố Cần Thơ một cách bền vững.