Ngành công nghiệp môi trường đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhưng để nắm bắt được cơ hội này, một nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản là yếu tố tiên quyết.
Phát triển và bài toán môi trường
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đã đến lúc phải thay đổi tư duy phát triển, bám sát định hướng tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; kiên quyết không vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại môi trường; bảo vệ lợi ích và cuộc sống bình yên của người dân”.
Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam vẫn còn quá non trẻ. Ngành công nghiệp môi trường đang đóng góp khoảng 2,14% đến 2,77% cho GDP ở những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu và trung bình toàn thế giới là 1,4% GDP.
Còn ở Việt Nam, theo số liệu thống kê, năm 2013 tổng sản lượng của ngành công nghiệp môi trường (chưa tính lĩnh vực cấp nước) mới đạt gần 0,5% GDP. Nghĩa là dư địa để phát triển tối thiểu đến mức trung bình của thế giới (1,4% GDP) và kèm theo đó là nhu cầu nguồn nhân lực còn rất lớn.
Ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ lên đến 9,2% một năm, cao hơn rõ rệt so với tốc độ phát triển chung của toàn bộ khối công nghiệp (7,15% một năm). Đi sâu vào quy mô và trình độ công nghệ, “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn 2025” cho thấy các doanh nghiệp công nghiệp môi trường tại Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có 32/1125 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng.
Hầu hết các doanh nghiệp này mới làm chủ các công nghệ truyền thống, những công nghệ, thiết bị xử lý tiên tiến phần lớn vẫn phải nhập ngoại. Rất ít doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu phát triển công nghệ.
Đây chính là thách thức và cũng là cơ hội cho các đơn vị đào tạo chất lượng cao theo định hướng nghiên cứu, chú trọng thực hành về công nghệ, kĩ thuật môi trường.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ môi trường
Một trong những đơn vị đào tạo về công nghệ, kĩ thuật môi trường đang được nhiều người quan tâm là Chương trình Thạc sĩ Kĩ thuật môi trường của Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN. Với mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam, Nhật Bản và quốc tế, Trường ĐH Việt Nhật (VJU) nói chung và Chương trình Thạc sĩ Kĩ thuật môi trường (MEE) nói riêng có những điểm khác biệt so với các chương trình đào tạo khác tại Việt Nam.
PGS. TS. Cao Thế Hà – Giám đốc chương trình Thạc sĩ Kĩ thuật Môi trường, Trường ĐH Việt Nhật cho biết: “Về chương trình đào tạo, để giúp học viên nhanh chóng nắm bắt những kiến thức hiện đại nhất về công nghệ, kĩ thuật môi trường, Trường ĐH Việt Nhật xây dựng chương trình theo định hướng lấy phát triển bền vững làm cơ sở, sâu về kiến thức, kĩ năng cơ bản, rộng về đối tượng áp dụng, kết hợp ngay lý thuyết với thực hành. Các giáo trình được lựa chọn là những giáo trình cập nhật nhất của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ …”
Giáo sư Jun Nakajima, Đại học Ritsumeikan, Đồng giám đốc chương trình Thạc sĩ Kĩ thuật môi trường, Trường ĐH Việt Nhật chia sẻ: “Khối lượng thực hành trong chương trình chiếm trên 50% thời lượng học tập của học viên, bao gồm cả thực hành nghiên cứu chuyên sâu. Chương trình được xây dựng bởi các giáo sư đầu ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tokyo – một trong những đại học hàng đầu thế giới và Đại học Ritsumeikan – Đại học tư nhân hàng đầu Nhật Bản.”
Xen kẽ giữa các bài giảng trên giảng đường, học viên của Trường sẽ được tham gia các nội dung đào tạo thực tế phong phú mà không đâu có như: hoạt động thực tập, thực tế, khóa thực tập 3 tháng tại Nhật Bản ở các doanh nghiệp hoặc các phòng nghiên cứu của các Đại học danh tiếng,…
Bên cạnh đó, ngay từ khi còn ở trên ghế nhà trường, học viên VJU được tạo cơ hội tham gia các Hội thảo quốc tế, tiếp xúc và trao đổi với các chính khách, các chuyên gia kỳ cựu từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản thông qua các bài giảng mở, các bài giảng khách mời. Đây sẽ là cầu nối để học viên VJU tiến xa trong môi trường kinh tế hội nhập toàn cầu.
Về cơ hội việc làm, với chương trình đào tạo phong phú bằng tiếng Anh, các kiến thức hiện đại, các khóa thực hành phong phú và khả năng tiếng Nhật căn bản, học viên tốt nghiệp VJU có thể tự tin trong môi trường làm việc Việt Nam, quốc tế, nhất là ở các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, tại Nhật Bản hay bất cứ nước trong khu vực và trên thế giới.
Với những học viên có mong muốn đi theo con đường nghiên cứu/giảng dạy thì Trường ĐH Việt Nhật là cơ hội lý tưởng để thực hiện mong muốn đó. Trường là địa chỉ hàng đầu của các Chương trình Học bổng Tiến sĩ của Nhật Bản dành cho các nước đang phát triển.
Về cơ sở vật chất, để tạo điều kiện tốt nhất cho học viên, trong khi chờ đợi Cơ sở Hòa Lạc của Trường tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng và hoàn thiện, với sự hỗ trợ của hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, VJU đã tạm thời xây dựng khu hành chính-giảng đường tại Mỹ Đình. Trong năm 2017, phòng thực tập thực hành dành riêng cho chương trình Kĩ thuật môi trường sẽ hoàn thành với các thiết bị tiên tiến, phục vụ hoạt động học tập và nghiên cứu của học viên.
Với sự kết hợp của 3 nhà: Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo tại Trường Đại học Việt Nhật, những học viên tốt nghiệp từ Trường hứa hẹn sẽ trở thành những chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam và trong khu vực.
Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật môi trường của Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN sẽ khai giảng khóa 2 vào tháng 9/2017. Hạn nộp hồ sơ: 14/7/2017