Nhà báo, nhà văn, nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản Shimomura Mitsuko – “cánh chim đầu đàn” trong phong trào kêu gọi “hồi sinh tâm hồn người Nhật” đã có chuyến thăm và đối thoại cởi mở với thanh niên Việt Nam tại Trường ĐH Việt Nhật vào chiều ngày 16/5.

Người Nhật thời hiện đại: chủ nghĩa tiền tài, vị kỷ lây lan

Sự hồi sinh diệu kì của Nhật Bản sau chiến tranh khốc liệt hay thảm họa động đất, sóng thần luôn khiến cả thế giới phải nghiêng mình nể phục. Người dân nước này đã vươn mình vô cùng mạnh mẽ khi ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Sức sống và tinh thần Nhật Bản có lẽ luôn là điều khiến cả thế giới ngưỡng mộ xen lẫn tò mò.

Tuy nhiên trong cuộc gặp gỡ với thanh niên Việt Nam, nữ diễn giả Shimomura Mitsuko (Hiệu trưởng trường tư thục dạy cách sống tại Fukushima, Nhật Bản) đã không ngại hé lộ “góc khuất” phía sau tinh thần Nhật Bản diệu kì ấy.

Bà Shimomura Mitsuko cho hay, những trái tim mạnh mẽ vụt dậy vươn tới điều tốt đẹp đã giúp Nhật Bản từ giai đoạn bại trận, phục hồi dần bước vào thời kỳ cường quốc kinh tế thế giới. Nhưng không lâu sau nước này đã đối mặt thời kỳ “bong bóng tan vỡ”. Những thói xấu, sự vị kỷ hiện diện nhiều hơn trong tâm hồn người Nhật, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Kinh tế thị trường, sự dư giả vật chất bỗng chốc trở thành con dao “giết chết” các giá trị cốt lõi của người Nhật – điều vốn khiến người dân khắp thế giới ngả mũ thán phục.

Bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là một phóng viên tại Báo Asahi vào năm 1965, bà Shimomura Mitsuko thành Tổng biên tập “Asahi Journal”. Nữ nhà báo tài năng đã nhận nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng dành cho các nhà báo quốc tế mang tên Vaughn – Ueda… Viết báo, thâm nhập vào đời sống xã hội với nhiều thăng trầm ở đất nước mình, nữ nhà báo người Nhật ngày càng trăn trở về sự đảo lộn nhiều giá trị cốt lõi trong thế giới đạo đức, tinh thần của người Nhật. Đó là lí do bà bắt tay viết nhiều cuốn sách về nghệ thuật sống và đứng ra sáng lập “Trường tư thục dạy cách sống” tại tỉnh Fukushima vào năm 2011.

Theo bà Shimomura Mitsuko, cùng với sự giàu có về kinh tế, trái tim người Nhật đang dần trở nên nghèo nàn. Xã hội Nhật Bản biến thành một xã hội lợi ích, vị kỷ và con người thì cô độc.

“Người Nhật đang đánh mất những tố chất căn bản vốn có như mỹ đức, trái tim hòa đồng, đạo làm người, lòng vị tha, lòng tốt, tính khiêm nhường, các nguyên tắc cơ bản của luân lý đạo đức, niềm tự hào – giá trị quan – nhân phẩm của con người, trái tim biết đến đâu là đủ…”, bà Hiệu trưởng chia sẻ.

Nữ diễn giả người Nhật cũng chỉ ra rằng, con người trong xã hội phát triển đã có được sự giàu có về vật chất, nhưng cái giá phải trả là chủ nghĩa tiền tài, coi trọng vật chất đã lây lan và tầm quan trọng của thiên nhiên, của tâm hồn dần bị quên lãng.

“Cánh chim đầu đàn” trong phong trào kêu gọi hồi sinh tâm hồn người Nhật từ chính tỉnh Fukushima – tâm điểm chịu ảnh hưởng của thảm họa kéo động đất và sự cố hạt nhân miền Đông Bắc Nhật Bản lo sợ tương lai người dân Nhật đánh mất tất cả giá trị tốt đẹp làm nên tinh thần Nhật Bản.

Thế nên, trong 6 năm qua, người phụ nữ này đã nỗ lực không mệt mỏi trong hành trình góp phần đánh thức, hồi sinh tâm hồn người Nhật với vai trò một nhà giáo dục.

Ở ngôi trường của mình, bà Shimomura Mitsuko bằng rất nhiều cách đã giúp các học viên (không giới hạn lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội) giải đáp những câu hỏi căn bản nhất về nền tảng mục đích sống, về hạnh phúc và cách dựng xây hạnh phúc cho bản thân và xã hội. Trường học của bà đã thủ hút các nhà lãnh đạo Chính phủ, những nhà chính trị, nhà khoa học, doanh nhân và nhiều nhân vật nổi tiếng các lĩnh vực khác tham gia.

Việt Nam học được gì từ phía Nhật Bản

Quan điểm “hồi sinh tâm hồn người Nhật” xuất phát từ những mặt trái của sự tăng trưởng kinh tế, những khủng hoảng từ thiên tai đã tác động tới tư tưởng và lối sống của con người Nhật Bản. Diễn giả Shimomura Mitsuko nhấn mạnh, đó cũng là vấn đề mà xã hội, con người Việt Nam sẽ phải đối mặt.

Bà Shimomura Mitsuko nhấn mạnh, Việt Nam đang tiến hành phát triển kinh tế trong một thế giới diễn ra những biến động lớn lao về quan niệm giá trị. Do đó, lịch sử mà Nhật Bản trải qua từ thời kì tăng trưởng kinh tế thập niên 1960 đến hôm nay có thể lặp lại trong những vấn đề mà Việt Nam sẽ đối mặt sắp tới.

“Trong thế hệ cha mẹ các bạn có nhiều người đang lo lắng về đất nước Việt Nam và con người Việt Nam hôm nay. Chính người Việt đang lo lắng về một bộ phận giới trẻ chỉ giỏi “trà chanh chém gió”, không quan tâm chính trị, lười lao động, thiếu tinh thần cộng đồng, chạy theo các trào lưu và hào nhoáng vật chất…”, bà Shimomura dẫn chứng.

Cho tới nay, không chỉ ở Nhật Bản hay Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, các giá trị được coi trọng là giá trị hữu hình, tính bằng tiền, vật chất. Bà Hiệu trưởng người Nhật cho rằng, rất cần thiết tìm lại những giá trị vô hình là sự tử tế, hiền hòa, tinh thần tôn trọng môi trường, giữ lại sợi dây quan hệ giữa người với người. Đó là những giá trị không thể tính toán bằng con số, đong đếm.

“Tôi mong muốn Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế rất nhanh sẽ làm sao vừa có sự giàu có về vật chất, vừa có sự giàu có về tâm hồn. Và hệ thống giáo dục đóng vai trò cốt lõi để tạo nên sự cân bằng đó”, bà Shimomura Mitsuko lưu ý.

Trường Đại học Việt Nhật (thành viên của ĐHQGHN) là mô hình đại học tiên tiến ở Việt Nam với sự khác biệt dựa trên triết lý giáo dục khai phóng và phát triển bền vững. Đây là môi trường lý tưởng cho các hoạt động giao lưu học thuật và văn hóa của Việt Nam và Nhật Bản. Trường hướng tới phát triển người học có tầm nhìn hướng ra toàn cầu, khả năng sáng tạo phong phú, nền tảng kiến thức rộng, biết cảm nhận và có khả năng tham gia giải quyết các vấn đề lớn của xã hội, cộng đồng.  

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *