Tại Hội thảo Công nghệ Xanh trong Phát triển bền vững nguồn nước  – GTSW2019, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thương, cựu học viên Chương trình Thạc sĩ Kĩ thuật môi trường, Trường Đại học Việt Nhật đã xuất sắc nhận được Giải nhất cho phần Báo cáo thuyết trình với tiêu đề “Khả năng ứng dụng vỏ ngao trắng làm vật liệu lọc trong bãi lọc trồng cây để xử lý phốt pho trong nước thải chăn nuôi lợn sau biogas”


Thạc sĩ Nguyễn Thị Thương và giảng viên hướng dẫn Nguyễn Thị An Hằng (giữa)

Đề tài này được Thạc sỹ Thương tiến hành  trong quá trình học tập tại Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN dưới sự hướng dẫn chính của TS. Nguyễn Thị An Hằng, giảng viên Chương trình thạc sỹ Kỹ thuật Môi trường nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách đối  với thực trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải  chăn nuôi lợn ở Việt Nam. Liên quan tới xử lý nước thải trong chăn nuôi lợn, nhiều trang trại hiện nay đã áp dụng công nghệ phân hủy yếm khí biogas. Tuy nhiên, nước thải sau xử lý biogas thường không đáp ứng được tiêu chuẩn xả thải. Vì vậy, xử lý bổ sung thực sự rất cần thiết để bảo vệ môi trường xung quanh. Trong số các công nghệ được sử dụng cho mục đích này, bãi lọc trồng cây nổi lên với nhiều ưu điểm như thân thiện môi trường, xử lý hiệu quả với các chất ô nhiễm như chất hữu cơ, ni tơ, đặc biệt rất phù hợp với các vùng nông thôn Việt Nam vì thiết kế và vận hành đơn giản, ít tốn kém. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý phôt pho của công nghệ này tương đối thấp, đã hạn chế đáng kể khả năng ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong thực tế. Kết quả là, nước thải sau xử lý có hàm lượng nitơ thấp, hàm lượng phốt pho cao. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bùng phát tảo độc, qua quá trình phóng đại sinh học dẫn đến nguy cơ gây nhiễm độc ở người và vật nuôi.

Để nâng cao hiệu quả xử lý phốt pho trong nước thải chăn nuôi lợn của công nghệ bãi lọc trồng cây, đề tài của Thạc sỹ Thương đã tập trung nghiên cứu sử dụng vỏ ngao trắng là vật liệu lọc có tính hấp phụ, có nguồn gốc bản địa và sẵn có trong tự nhiên để thay thế vật liệu lọc truyền thống như cát, sỏi, đá. Với tính chất hấp phụ phốt pho cao, vỏ ngao trắng được chứng minh mang lại hiệu quả cao trong việc loại bỏ phốt pho trong nước thải chăn nuôi lợn, góp phần giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe của vật nuôi và con người. 

Hội thảo Công nghệ Xanh trong Phát triển bền vững nguồn nước (Green Technologies for Sustainable Water – GTSW) lần đầu tiên được tổ chức thành công vào năm 2017 với đơn vị chủ trì là Trường Đại học Việt Nhật

Năm nay, Hội thảo GTSW 2019 diễn ra từ ngày 1 – 5/12/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự tổ chức của Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Công nghệ Sydney (UTS, Australia), Viện Nghiên cứu độc tính CSIR-Indian, Ấn Độ và Trường Đại học Việt Nhật . Chủ đề của hội thảo về Xử lý và tái sử dụng nước thải, Thu hồi tài nguyên từ nước thải, Kiểm soát khí thải nhà kính từ các quy trình xử lý nước thải, Quản lý tài nguyên nước và cấp nước, Công nghệ nano xử lý nước, Phương pháp phân tích tiên tiến cho nước và nước thải, Các công nghệ và ứng dụng đột phá để quản lý và xử lý tài nguyên nước.

Hội thảo quy tụ các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia bao gồm: Việt Nam, Australia, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Ca-na-đa, Đài Loan, Hồng Kông, Bỉ, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Singapore và Tây Ban Nha.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *