Trong tháng 8/2021, TS. Phạm Tiến Thành và học viên Chương trình Thạc sĩ Công nghệ Nano đã xuất bản 2 bài báo trên các tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng cao (Impact factor-IF), gồm có:
- “Durable, Scalable and Affordable Iron (III) based Coconut Husk Photothermal Material for Highly Efficient Solar Steam Generation” trên tạp chí Desalination-NXB Elsevier (IF = 9.5).
- “Novel Cu and Leaf Nanostructure-based Photothermal Bio-material for Efficient Solar Steam Generation” trên tạp chí Advanced Sustainable Systems-NXB Wiley (IF = 6.27)
Hai công trình khoa học trên được nhóm nghiên cứu của Chương trình thạc sĩ Công nghệ Nano triển khai từ năm 2019. Trong kết quả nghiên cứu, nhóm đã đề xuất các công nghệ mới để chế tạo vật liệu quang nhiệt chuyển hóa năng lượng mặt trời với hiệu suất cao. Đặc biệt, hiệu suất cao này có được nhờ sử dụng các đặc tính ưu việt về cấu trúc, độ bền của vật liệu biomass phổ biến ở Việt Nam như vỏ dừa và lá của các loài thực vật. Với chất liệu đơn giản, dễ tìm và chi phí thấp, công nghệ mới này có thể áp dụng để chế tạo vật liệu quang nhiệt chuyển hóa năng lượng mặt trời trên quy mô lớn.
Bên cạnh đó, các vật liệu này đã được ứng dụng vào hệ bay hơi nước nhằm lọc nước biển thành nước sinh hoạt với giá thảnh rẻ và độ bền cao. Hệ lọc nước này có thể lọc được 5-6L nước sạch trên 1m2 vật liệu trong điều kiện ánh sáng mặt trời thực tế từ nước biển. Kết quả này cho thấy tiềm năng ứng dụng hệ lọc nước này ở quy mô hộ gia đình nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt ở vùng bị ảnh hưởng của hạn mặn như Đồng bằng sông Cửu Long và hải đảo.
Hướng nghiên cứu này có tính liên ngành cao giữa Công nghệ chế tạo vật liệu có kích cỡ micro/nano và chuyển hóa năng lượng hướng đến ứng dụng trong xử lý nước và môi trường. Nhóm nghiên cứu chào đón các học viên mới nhằm tiếp tục phát triển các loại vật liệu quang nhiệt mới, hướng đến tạo ra sản phẩm ứng dụng trong điều kiện thực tế.
Đọc bài báo chi tiết: https://doi.org/10.1016/j.desal.2021.115280