Hòe và các bạn học viên MIE trong khóa thực tập tại Nhật Bản năm 2019

Cuối năm 2019, Nguyễn Hữu Hòe đã tốt nghiệp và lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành MIE và tháng 3 năm sau đó khăn gói lên đường sang Nhật làm việc. Hơn một năm sống và trong điều kiện Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở Nhật và trên thế giới, Hòe vượt qua nỗi nhớ nhà, khó khăn về ngôn ngữ bằng cách chăm chỉ làm việc và học ngôn ngữ. Hòe dần thích nghi với cuộc sống tại thành phố Sendai, và trở nên vững vàng hơn so với những ngày đầu. Vậy Hòe đã trải qua các khó khăn gì trong giai đoạn vừa qua và vượt qua khó khăn như thế nào? Điều gì khiến cho chàng trai trẻ quyết tâm vượt khó để thực hiện những dự định của mình, học ngôn ngữ thành thạo và lên kế hoạch đoàn tụ gia đình?

Hãy nghe câu chuyện của Hòe qua bài phỏng vấn ngắn dưới đây.

1. Em xãy giới thiệu ngắn gọn về bản thân

Em là Nguyễn Hữu Hòe, học viên khóa 2, Thạc sỹ Kỹ thuật Hạ tầng (MIE) – Trường ĐH Việt Nhật. Em hiện là nhân viên công ty Nissaku Co., Ltd. (株式会社 日さく) và sống, làm việc tại thành phố Sendai – Tỉnh Miyagi. Tại đây, công việc hiện tại của em là lắp đặt, bảo trì giếng nước; thi công các công trình bảo vệ mái dốc; khoan khảo sát địa chất…

2. Lên đường sang Nhật khi Covid đang diễn biến phức tạp, vậy em đã gặp khó khăn gì?

Là công ty về xây dựng, kỹ thuật nên lượng khách hàng của Công ty em ổn định, công việc không bị ảnh hưởng nhiều do Covid-19. Tuy nhiên, phong cách làm việc cũng có ít nhiều ảnh hưởng: Công ty hạn chế số lượng nhân viên đi làm tại văn phòng, khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà, giảm hội họp không thiết yếu…

Khó khăn của bản thân em hiện tại xuất phát từ vốn tiếng Nhật chưa tốt của em. Với vốn ngôn ngữ còn hạn chế, em vẫn gặp nhiều rào cản ngôn ngữ khi phải giao tiếp với đồng nghiệp trong quá trình làm việc và trong cuộc sống.

3. Em khắc phục như thế nào?

Covid-19 là giai đoạn khó khăn, song lại mang lại cho em cơ hội. Em có nhiều thời gian hơn để học thêm tiếng Nhật và rèn luyện thân thể. Em đã đăng ký học giao tiếp tiếng Nhật tại trung tâm ở Thành Phố Sendai vào Thứ 7, Chủ nhật nhưng do Covid nên không thể đến lớp học được. Em khắc phục bằng cách tự học tiếng Nhật qua sách, internet, xem phim… và dành thời gian nói chuyện với gia đình, tập luyện thể thao…

5. Các công ty Nhật và người dân ứng xử với Covid ra sao?

Đối với công ty, chủ tịch có chỉ thị tới toàn thể công ty các quy định cụ thể để phòng tránh dịch như sau:

① Tự giác rửa tay

② Mang khẩu trang

③ Tránh “3 mật” (không gian kín, tập trung đông người, giao tiếp gần)

④ Giữ khoảng cách giữa người với người

⑤ Thực hiện triệt để việc lưu thông không khí

⑥ Đẩy mạnh làm việc tại nhà và đi thẳng từ nhà đến công trường/về thẳng nhà

⑦ Cấm tụ tập ăn uống (Cấm tụ tập ăn uống người trong công ty, bạn bè, người thân… Dù ở đâu hay bao nhiêu người cũng không được tổ chức ăn uống)

⑧ Tuân thủ nghiêm túc các điểm chú ý khi làm việc tại công trường

⑨ Hạn chế đi công tác

⑩ Không đi làm khi cảm thấy không khỏe

⑪ Hạn chế làm việc sau 20 giờ và tuyệt đối không ra ngoài khi không có việc cần thiết cấp bách

⑫ Khuyến khích nghỉ phép có lương trong các đợt nghỉ lớn, kéo dài

⑬ Giảm tiếp xúc giữa người với người bằng cách thay đổi thời gian đi làm, đi làm bằng xe đạp

⑭ Tránh tập trung vào thời gian và những nơi đông người

⑮ Không được uống rượu trên đường, tại các điểm tập trung đông người như công viên

Mặc dù chính phủ Nhật có nhiều biện pháp hạn chế lây nhiễm nhưng em thấy chưa quyết liệt bằng Việt Nam. Dù ban bố tình trạng khẩn cấp của Nhật đối với một số tỉnh, khu vực có số ca nhiễm tăng mạnh, các quán ăn, uống… vẫn được mở cửa tới 20:00 giờ. Người dân chỉ được khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người.

Ý thức người dân về việc đeo khẩu trang khá tốt. Hầu như mọi người ra ngoài đều đeo khẩu trang nên dịch bệnh được kiểm soát ở mức 4000-6000 ca nhiễm/ngày trong khoảng 1 tháng trở lại đây.

4. Em cảm thấy mình trưởng thành như thế nào sau một năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản?

Theo em, người Nhật và người Việt Nam đều có những điểm mạnh, điểm yếu. Người Nhật có những điểm mạnh mà em mong học hỏi được. Đó là sự cẩn thận, chu đáo, chỉn chu, sự nghiêm túc, chuyên nghiệp trong công việc. Vấn đề an toàn lao động rất được người Nhật chú trọng bên cạnh văn hóa đúng giờ, sự tôn trọng người khác và thượng tôn pháp luật.

Tuy nhiên, trong công việc, em thấy đôi khi người Nhật quá cẩn thận, tỉ mỉ, điều đó khiến hiệu suất công việc giảm, gây lãng phí thời gian, tài nguyên… Người Nhật khá ít nói và không cởi mở như người Việt, bởi vậy, việc chia sẻ, trao đổi ý kiến nhiều khi cũng cảm thấy trở ngại.

Trước đây em đã từng làm việc ở Việt Nam và giờ được làm việc tại đất nước phát triển như Nhật. Sự so sánh, đối chiếu giữa hai văn hóa, môi trường làm việc khiến em nhận ra rõ rệt hơn điểm mạnh và điểm yếu của chính mình. Em sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân, để hoàn thành tốt nhiệm vụ dù cho làm việc ở môi trường nào.

5. Em có dự định gì cho tương lai?

Em có một số dự định cần thực hiện như: Đã xin được tư cách lưu trú để đón vợ con sang, khi dịch ổn, Nhật Bản cho nhập cảnh là em sẽ được đoàn tụ gia đình. Em hiện đang học và thi bằng lái ô tô. Về ngôn ngữ, kế hoạch của em là sẽ thi N3 vào tháng 7 tới đây và thi N2 vào tháng 7/2022. Em luôn cố gắng hòa nhập với cuộc sống và công việc để có thể sống và làm việc lâu dài ở đây.

6. Nếu được gửi một lời nhắn đến các bạn học viên MIE, em sẽ nói gì?

Hai năm học tập tại VJU, em đã quyết định nghỉ công việc cũ để đi học và phải đóng một phần học phí (khoảng 70% vì em được nhận học bổng một phần). Sự lựa chọn “táo bạo” này đổi lại đã mở cho em những cơ hội hoàn toàn mới: được học, được tiếp xúc với những người Thầy, những người bạn tuyệt vời, tiếp cận với những tiến bộ khoa học, tri thức tiên tiến và đi học trao đổi theo chương trình liên kết giữa đại học VNU với đại học Kanazawa-Nhật Bản. Sau tốt nghiệp, em đã có cơ hội làm việc Nhật Bản – đúng như mong muốn của em. Em cảm thấy mình đã quyết định đúng đắn và sẽ tiếp tục vững bước trên con đường đang đi dù còn những khó khăn phía trước.

Em chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng: ”Nếu các bạn cũng muốn hiện thực ước mơ làm việc tại Nhật Bản, lời khuyên của mình là hãy học tiếng Nhật thật chăm trong 2 năm tại trường. Bởi, ngôn ngữ sẽ rất cần cho cuộc sống và công việc của bạn tại Nhật.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *