Đó là chủ đề bài tham luận được PGS. TS Nguyễn Đình Thắng, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật (VJU) – ĐHQGHN (VNU) trình bày tại hội thảo “Forest and well-being” hôm 29/10/2024.
Con người đã khai thác cây dược liệu cho mục đích chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe từ hàng nghìn năm trước. Việt Nam được xếp vào nhóm có danh mục thực vật nhiệt đới phong phú nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 12.000 loài, trong đó khoảng 4000 loài vẫn đang được các khoa y học cổ truyền và trung tâm chăm sóc sức khỏe (lên tới hàng trăm, nghìn cơ sở) trên khắp cả nước sử dụng. Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng này phần lớn vẫn dựa trên kinh nghiệm, chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu để cung cấp những đánh giá khách quan và đầy đủ, chẳng hạn về thuộc tính sinh dược của các cây dược liệu. Tính đến nay, cũng mới chỉ có cuốn từ điển Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi là nghiên cứu mang tính hệ thống duy nhất từng được xuất bản. Bên cạnh đó là những mối quan ngại liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng, nguy cơ nhiễm độc môi trường, …
Lấy ví dụ, chiết xuất từ cây phòng phong thảo (Anisomeles indica) được cho là mang lại hiệu quả tốt trong việc chống lại sự phát triển của tế bào ung thư cổ tử cung. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu sử dụng các dữ liệu dịch tễ, dược động học và kết hợp lâm sàng để đánh giá chính xác về những tác động của nó. Ngoài ra, phải đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng cho phụ nữ đang mang bầu bởi đã có nghiên cứu ghi nhận tác dụng phụ của chiết xuất phòng phong thảo lên ấu trùng cá bơn sọc như gây ức chế quá trình đẻ trứng, kìm hãm tốc độ sinh trưởng hoặc khiến ấu trùng phát triển khiếm khuyết, …
Vì vậy, PGS. Nguyễn Đình Thắng khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy sự hợp tác liên ngành giữa các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, từ dược lý, sinh học cho tới hóa học phân tích, nhằm mang đến cách tiếp cận mới, toàn diện, hiệu quả hơn trong việc tìm kiếm và khai thác tiềm năng của các hợp chất chữa bệnh tiềm năng.