(ĐTCK) Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, PGS. TS Vũ Anh Dũng, Phó hiệu trưởng Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Hội đồng giám khảo Thương vụ tiêu biểu cho biết, các hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra ngày càng sôi động, có nhiều bước đột phá, trong đó yếu tố nhân sự đóng vai trò quyết định đến sự thành công cũng như góp phần tạo ra giá trị cộng hưởng sau thương vụ.
Trước thời điểm Nhóm chuyên gia nghiên cứu M&A công bố bản báo cáo đầy đủ, đánh giá thị trường tại Diễn đàn M&A 2017, ông có thể chia sẻ vài điểm nổi bật từ kết quả nghiên cứu này?
Hàng năm, Nhóm nghiên cứu MAF đều công bố báo cáo tình hình M&A tại Việt Nam. Năm nay, điểm đặc biệt là báo cáo này được đầu tư để nghiên cứu sâu hơn về các xu hướng M&A nổi bật.
Tham gia thực hiện báo cáo là đội ngũ nghiên cứu của Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội và các chuyên gia của Diễn đàn M&A Việt Nam, ngoài ra có sự góp ý của các nhà chuyên môn trong nước và quốc tế.
Theo đó, tập trung vào chủ đề “Tìm bước đột phá”, báo cáo sẽ chỉ rõ đâu là trở ngại của hoạt động M&A tại Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra giải pháp, đồng thời nêu lên những xu hướng nổi bật nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi có một phần tập trung sâu vào yếu tố nhân sự trong thương vụ M&A. Đây là một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công cũng như góp phần tạo được giá trị cộng hưởng sau thương vụ.
Với sự tham gia sâu của khối ngoại, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo từ nay đến cuối năm 2017 và kéo dài sang năm 2018, M&A tại Việt Nam có thể tiếp tục bùng nổ. Là người nghiên cứu sâu về câu chuyện M&A tại Việt Nam, theo ông, có những yếu tố nào tạo cú huých đột phá đối với thị trường M&A?
Hoạt động M&A tại Việt Nam đã tăng trưởng tốt trong 5 năm qua, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, cũng như giới đầu tư. Năm 2015, giá trị M&A ước đạt khoảng 5,2 tỷ USD, đạt mốc kỷ lục trong 10 năm qua. Con số này năm 2016 là 5,1 tỷ USD, theo thống kê của Viện Hợp nhất, Mua lại và Liên kết (IMAA).
Tùy theo cách thống kê mà các số liệu có thể chênh lệch, tuy nhiên, nó đã phần nào phản ánh bức tranh thị trường. Theo đó, giới quan sát và các chuyên gia nhận định, có sự chậm lại trong hoạt động M&A nửa cuối năm 2016, khi các thương vụ lớn và có chất lượng được công bố chưa nhiều.
Năm 2017 và 2018, nếu không có những thương vụ đột phá, giá trị M&A sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD của năm 2015 và 2016. Điều này đòi hỏi một cú huých lớn từ góc độ doanh nghiệp (nguồn hàng), dòng vốn ngoại, cũng như cơ chế chính sách của chính phủ.
Thứ nhất, cần tạo đột phá về nguồn hàng, cả về số lượng lẫn chất lượng, để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, bao gồm nguồn hàng đến từ doanh nghiệp nhà nước lớn chuẩn bị cổ phần hóa, doanh nghiệp trong diện Nhà nước thoái vốn, các tập đoàn tư nhân.
Thứ hai, đột phá từ nguồn vốn ngoại. Cụ thể, cần dự báo luồng vốn ngoại vào Việt Nam sắp tới ra sao, các nhà đầu tư đến từ khu vực nào, lĩnh vực họ quan tâm là gì, những cơ hội liệu có đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy dòng vốn ngoại vào thị trường nội địa?
Thứ ba, đột phá về cơ chế, chính sách. Chính phủ cần làm gì để cải tiến hơn nữa về cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động M&A? Chính sách cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp lớn đang tồn tại nhiều điểm nghẽn, cần tháo gỡ như thế nào? Vấn đề nới room và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội huy động vốn tại thị trường chứng khoán nước ngoài cũng cần được lưu tâm.
Nhiều doanh nghiệp Việt muốn thu hút vốn đầu tư từ nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng gặp phải nhiều khó khăn trong tìm kiếm, thuyết phục đối tác? Theo ông đâu là nguyên nhân? Ông có khuyến nghị gì để doanh nghiệp Việt có được sự quan tâm hơn nữa của nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài?
Thực tế, tại Việt Nam thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp, dự án muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên không thực hiện được. Có một số điểm yếu hạn chế khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn, còn tiềm năng phát triển.
Trong khi đó, vốn điều lệ của đa số các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam mới ở mức 50 – 80 tỷ đồng, tương đương 2 – 4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5 – 10 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn và có sức cạnh tranh yếu, mô hình kinh doanh thiếu bền vững nên cũng không phải là đối tượng được quan tâm của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức cao. Ngoài các công ty nhà nước cổ phần hóa, nơi cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ và thoái từng phần; nhiều công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp. Trong khi hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đều muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh.
Một nguyên nhân khác là báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch. Đây là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại. Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hình thức kế toán hai sổ, điều này khiến cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính.
Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng (bên bán, chuyển nhượng) cũng không phải dễ dàng, thậm chí khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài, một phần do tính thiếu minh bạch trong thực tiễn quản trị, một phần do tính nhạy cảm của tiết lộ thông tin doanh nghiệp ra bên ngoài trước khi thương vụ được thực hiện.
Chưa kể, yếu tố văn hóa gây trở ngại cho các giao dịch M&A. Sự khó khăn trong việc hòa nhập văn hóa là vấn đề lớn quyết định đến thương vụ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với việc có cổ đông ngoại hoặc có thêm sự quản lý bởi người nước ngoài.
Cuối cùng là định giá quá cao trong một số trường hợp. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kỳ vọng bán được với giá cao khi gặp đối tác nước ngoài. Đây là một yếu tố cản trở đến M&A tại Việt Nam do hai bên không thống nhất được giá.
Ông cảm nhận như thế nào về những tiến bộ/sự cải thiện trong câu chuyện pháp lý về M&A tại Việt Nam?
Giai đoạn 2016 – 2017, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ nổi bật, nhất là loạt thương vụ với giá trị lên đến 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư Thái Lan vào lĩnh vực bán lẻ, hay nhà đầu tư Hàn Quốc mua lại dự án bất động sản (cụ thể là tòa Keangnam Ha Noi Landmark) với giá 350 triệu USD.
Đóng góp vào diễn biến tích cực này là việc sửa đổi, điều chỉnh các khung pháp lý tạo ra sự hấp dẫn của thị trường, trong đó phải kể đến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới, Luật Kinh doanh bất động sản được sửa đổi khi cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, cùng các hiệp định song phương, đa phương được ký kết thành công như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EU – VN FTA).
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhà đầu tư vẫn gặp phải khó khăn dẫn tới kéo dài thời gian hoàn tất thương vụ. Chẳng hạn, các điều kiện tiên quyết để đóng một thương vụ, hồ sơ thiếu đầy đủ của các đơn vị nhà nước cổ phần hóa khiến việc mua vốn chậm, pháp lý về cổ phần hóa còn nhiều hạn chế, việc mua một công ty sở hữu nhiều công ty thành viên tại các tỉnh thành khác nhau dễ gây ra khó khăn vì cách vận dụng luật của cơ quan chức năng sở tại có thể có một số khác biệt.
Ông đánh giá thế nào về sức hấp dẫn của M&A tại Việt Nam so với khu vực và triển vọng của thị trường này?
Với sự hình thành khu vực kinh tế chung AEC, các quốc gia Đông Nam Á là mục tiêu được nhiều nhà đầu tư nhắm đến bởi đây là thị trường rộng lớn với tổng dân số trên 500 triệu dân. Trong đó, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore và Myanmar đang là những địa điểm thu hút vốn M&A từ nước ngoài.
Theo đánh giá của nhiều nhà tư vấn M&A cũng như các nhà đầu tư quốc tế, thị trường M&A tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là rất có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư Nhật bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo một thống kê về quy mô thị trường, tổng giá trị M&A vào khoảng 5 tỷ USD tại Việt Nam vẫn là con số rất nhỏ so với các quốc gia trong khu vực, với tổng giá trị M&A hàng năm được thống kê ở mức 15 – 20 tỷ USD.
Hiện tại, tôi cho rằng, triển vọng của thị trường là đáng kể với sự tăng trưởng của nền kinh tế và những động lực mới của M&A tại Việt Nam.