Xin chào

 Tôi là Suga Yoshihide

 Tôi yêu Việt Nam

 Tôi yêu ASEAN

 Tôi đã mong chờ được gặp gỡ các em sinh viên của Trường Đại học Việt – Nhật ngày hôm nay, ngôi trường là biểu tượng cho hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực của Nhật Bản và ASEAN.

Trường Đại học Việt – Nhật được thành lập trên cơ sở sự đồng thuận giữa các lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản và Việt Nam. Đây là biểu tượng cho sự hợp tác Nhật Bản – ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu cho thế hệ tiếp theo. Tôi rất vinh dự được diễn thuyết trước tất cả các em sinh viên đang học tại ngôi trường này, những người sẽ gánh vác tương lai của Việt Nam, của ASEAN và thế giới, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tôi sau khi nhậm chức.

Đúng 1 tháng trước tôi đã tiếp nhận chức vụ Thủ tướng Nhật Bản từ người tiền nhiệm Abe Shinzo sau khi Ông từ chức vì lý do sức khỏe. Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo đã nỗ lực phát triển mối quan hệ Nhật Bản – ASEAN trong đó bao gồm cả việc thành lập Trường Đại học Việt – Nhật. Tôi cũng mong muốn làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước ASEAN.

Nhân dịp này, xin cho phép tôi được giới thiệu một chút về bản thân mình. Qua đó có thể các em có lẽ sẽ cảm thấy tôi trở nên gần gũi và thân thiết hơn một chút cũng giống như bản thân tôi luôn cảm thấy vô cùng thân thiết và gần gũi với Việt Nam và ASEAN.

Tôi có nghe nói rằng phía bắc Việt Nam cũng có tuyết rơi, nhưng có lẽ các em sẽ ngạc nhiên nếu nhìn thấy quang cảnh tuyết rơi ở Tỉnh Akita quê tôi, một tỉnh nằm ở phía bắc Nhật Bản. Nơi đây tuyết rơi nhiều đến mức có những lúc tuyết chất cao đến tận tầng 2 của mỗi căn nhà. Và tôi là con trai cả của một gia đình nông dân được sinh ra và nuôi dưỡng đến hết trung học phổ thông tại tỉnh Akita đầy tuyết như thế đó.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã lên Tokyo và bắt đầu làm việc tại một nhà máy nhỏ trong thành phố, tuy nhiên ngay lập tức tôi đối mặt với thực tế khó khăn và nhận thấy rằng nếu không đi học đại học thì cuộc đời mình sẽ không thay đổi, vì thế tôi đã học lên đại học muộn hơn 2 năm so với bạn bè cùng lứa.

Chắc là suy nghĩ, tâm tư của tôi lúc bấy giờ cũng giống như các em đang theo học tại Trường Đại học Việt – Nhật, đó là chuẩn bị cho một bước tiến xa hơn nữa của bản thân.

Thời sinh viên, tôi vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền trang trải học phí, sau khi tốt nghiệp tôi vào làm cho một công ty tư nhân, tuy nhiên lúc đó tôi nhận thấy được các vấn đề của xã hội và cho rằng “có lẽ chính trị là điều làm thay đổi đất nước” và tôi bắt đầu bước vào con đường chính trị. Đó là câu chuyện bắt đầu từ số 0 của 45 năm trước khi tôi 26 tuổi.

Sau 11 năm làm thư ký cho một nghị sĩ quốc hội, tôi được bầu là đại biểu hội đồng nhân dân địa phương khi 38 tuổi nhưng tôi cho rằng để phát triển địa phương thì đất nước cần có sự thay đổi, vì thế tôi đã đặt mục tiêu là tham gia vào việc xây dựng chính sách của quốc gia và trở thành nghị sĩ quốc hội khi 47 tuổi. Sau đó tôi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, đảm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng nội các trong chính quyền Thủ tướng Abe gần 8 năm và vừa nhậm chức Thủ tướng vào tháng trước.

Kể từ khi bước chân vào chính giới, tôi vẫn thường suy nghĩ về việc làm thế nào để cải thiện hơn nữa cuộc sống của người dân, nỗ lực hết sức mình cùng với sự hợp tác của nhiều người. Nhờ đó tôi mới đảm đương được trọng trách của một thủ tướng, lãnh đạo “Một nội các làm việc vì nhân dân” như ngày hôm nay.

Nhìn lại chặng đường đã qua, con đường của một chính trị gia mà tôi đã vạch ra có lẽ cũng giống như quá trình Nhật Bản đã nỗ lực không ngừng nghỉ để phát triển bắt đầu từ con số 0. Đồng thời, tôi cảm thấy có điểm nào đó giống với Việt nam và ASEAN để đạt được sự phát triển ấn tượng và trở thành trung tâm phát triển của thế giới như hiện nay. Chính điều đó khiến tôi cảm thấy luôn gần gũi thân thiết với các bạn. Và cũng vì thế mà tôi đã nói về điều này ngay trong phần đầu của bài diễn thuyết.

ASEAN và Nhật Bản là đối tác bình đẳng và cũng là những người bạn. Chúng ta cùng nhau nỗ lực hướng đến sự phát triển, cùng trau dồi rèn giũa, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Đây chính là mối quan hệ thấu hiểu và gắn kết “từ trái tim đến trái tim”.

Việc ứng phó với đại dịch Covid-19 thời gian qua là một ví dụ tốt cho điều đó. Kể từ khi dịch Covid-19 phát sinh, chuỗi cung ứng trên toàn thế giới bị gián đoạn dẫn đến tình trạng thiếu hụt vật tư y tế tại nhiều nước trên thế giới. Nhật Bản cũng bị thiếu hụt vật tư y tế và trên cương vị là Chánh văn phòng nội các tôi cũng đã rất cố gắng để đảm bảo nguồn cung cấp và phân phối đến tận nơi cần có.

Trong bối cảnh đó, tôi đặc biệt ấn tượng với việc Việt Nam đã gửi tặng Nhật Bản 1 triệu 200 nghìn chiếc khẩu trang. Hợp tác này có được là nhờ mối quan hệ đối tác chiến lược.

Và Indonesia, nơi đến tiếp theo trong chuyến công du lần này, cũng đã nối lại hoạt động xuất khẩu quần áo phòng mổ y tế bằng việc đưa mặt hàng này ra khỏi đối tượng áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu bất chấp tình hình khó khăn mà hai nước đang phải đối mặt với Covid-19. Điều này cũng là một ví dụ cho thấy sức mạnh của mối quan hệ đối tác chiến lược sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn.

Về phần mình, Nhật Bản đang tiến hành cung cấp viện trợ không hoàn lại các trang thiết bị, vật tư y tế cũng như hợp tác đào tạo nguồn nhân lực để góp phần tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế và cải thiện vệ sinh công cộng tại các nước ASEAN. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang triển khai với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay gói viện trợ vốn vay hỗ trợ khẩn cấp trị giá tối đa 500 tỉ Yên trong 2 năm để hỗ trợ các hoạt động kinh tế mà trọng điểm là các nước khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong đó có ASEAN. Sự hợp tác này cũng sẽ góp phần vào bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) mà Nhật Bản và ASEAN đã và đang cùng thúc đẩy.

Để tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh tại ASEAN, hiện nay Nhật Bản và ASEAN đang hợp lực để thành lập trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm của ASEAN.

Chúng tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ mà những người bạn ASEAN đã dành cho Nhật Bản khi chúng tôi phải hứng chịu thiên tai động đất sóng thần tại vùng Đông Bắc Nhật Bản 9 năm rưỡi về trước. Phải chăng khả năng có thể tương trợ lẫn nhau những lúc khó khăn, ứng phó và giải quyết nhanh chóng các vấn đề mới chính là đặc trưng của quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng giữa Nhật Bản và ASEAN.

ASEAN thừa nhận tính đa dạng, tôn trọng lẫn nhau và coi trọng sự đồng thuận, hội nhập và phát triển trên tinh thần như vậy. Nhật Bản cho rằng việc kiên định ủng hộ ASEAN sẽ góp phần cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực bao gồm cả Nhật Bản, vì vậy trong nhiều thập kỷ qua chúng tôi đã ủng hộ tính trung tâm và tính thống nhất của ASEAN thông qua nhiều hợp tác khác nhau.

Hiện nay chuỗi cung ứng là không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh quốc tế và tôi cho rằng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào ASEAN đóng vai trò tiên phong trong chuỗi cung ứng này. Mở đầu là các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản xây dựng các nhà máy tại Thái Lan từ những năm 1960, nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đã đầu tư vào ASEAN.

Trong quá trình này, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp vào sự phát triển của các công ty bản địa thông qua việc đào tạo nhân viên tại mỗi nước để nâng cao chuyên môn của họ.

Thủ tướng Nhật Bản gặp gỡ và nói chuyện với học viên Trường Đại học Việt Nhật

Đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản và nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản được ví như hai bánh của chiếc xe ô tô, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của ASEAN.

Ví dụ điển hình của hợp tác ODA đó là kết nối phần cứng và phát triển cơ sở hạ tầng. Hình thành cơ sở hạ tầng xã hội mở cho tăng trưởng kinh tế như cảng biển, đường bộ, đường sắt, sân bay, khu công nghiệp, kết nối các công trình này qua biên giới quốc gia và hình thành các hành lang kinh tế. Ví dụ như Hành lang kinh tế Đông Tây và Hành lang kinh tế phía Nam xuyên Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma. Nhật Bản đã và đang hỗ trợ các nước ASEAN tăng cường sự liên kết, cùng nhau phát triển trong toàn khu vực thông qua phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Tôi rất vui mừng rằng nền tảng cho kinh tế ASEAN được tạo dựng và hiện đang tiến triển tốt trên cơ sở hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN là điều cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trên cơ sở kết nối phần cứng này, Nhật Bản và ASEAN đang cùng nỗ lực xây dựng các quy tắc nhằm tăng cường hệ thống kinh tế quốc tế, đồng thời cũng đang đối mặt với thách thức cải thiện kết nối phần mềm.

Kể từ những năm 2000 với sự phát triển nhanh chóng của toàn cầu hóa, các vòng đàm phán của WTO bị đình trệ dẫn đến việc xây dựng các quy tắc liên quan đến thương mại và đầu tư hầu như không tiến triển. Do đó, ASEAN và Nhật Bản đã hạ thấp các rào cản thương mại thông qua các hiệp định hợp tác kinh tế song phương và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản –ASEAN bắt đầu từ Hiệp định hợp tác kinh tế với Singapore, đồng thời cùng thúc đẩy xây dựng các quy tắc liên quan đến các hoạt động kinh tế khu vực.

Từ khoá cho kết nối giữa Nhật Bản và ASEAN chính là số hóa (digital) và tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Trước tiên là việc số hóa (digital). Kỹ thuật số và dữ liệu đã vượt qua biên giới quốc gia, kết nối các nền kinh tế và hiện đang ảnh hưởng đến mọi hoạt động xã hội. Số hoá hơn nữa nền kinh tế và xã hội đang được ngày càng chú trọng để ứng phó với dịch Covid-19. Nhật Bản cùng các nước ASEAN tăng cường liên kết số của khu vực, thúc đẩy xây dựng các quy tắc dựa trên DFFT “Lưu thông dữ liệu tự do với sự tin cậy”.

Ngoài ra, Trung tâm nâng cao năng lực an ninh mạng Nhật Bản – ASEAN được thành lập tại Bangkok hai năm trước với sự hợp tác của Nhật Bản đã góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh trong đó các doanh nghiệp có thể an tâm hoạt động bằng cách cùng nhau bảo vệ không gian mạng của khu vực.

Tiếp theo là tính bền vững của chuỗi cung ứng. Covid-19 đã cho thấy để duy trì một chuỗi cung ứng quốc tế thì cần phải giảm nguy cơ đứt gãy, xây dựng hệ thống cung ứng có khả năng duy trì, tăng tính dẻo dai và bền vững. Do đó, như các em có thể thấy có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng tới việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng của họ trong ASEAN. Nhật Bản sẽ tiếp tục củng cố chuỗi cung ứng để xây dựng một nền kinh tế trụ vững trước các nguy cơ và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với ASEAN.

Sự kết nối được tạo ra giữa ASEAN và Nhật Bản được hỗ trợ bởi nguồn nhân lực của ASEAN. Con người là nền tảng và các cơ chế hợp tác đều có sự hiện diện của con người.

Được nuôi dưỡng trong một môi trường giàu tính đa dạng và tính quốc tế, ASEAN là một kho báu nguồn nhân lực mà thế giới phải ghen tị. Để đóng góp nhiều nhất có thể cho sự phát triển, Nhật Bản đã sẽ cùng với ASEAN thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thông qua tiếp xúc trực tiếp như phái cử chuyên gia và tình nguyện viên của JICA, tổ chức tập huấn tại Nhật Bản, cấp học bổng cho du học sinh v.v.Trường Đại học Việt – Nhật cũng là một ví dụ tốt cho sự hợp tác đào tạo nguồn nhân lực đó bằng việc bắt đầu khai giảng khóa đào tạo cử nhân từ năm nay bên cạnh khoá đào tạo thạc sĩ. Đồng thời, nguồn nhân lực trẻ và tràn đầy năng lượng từ các nước ASEAN đến Nhật Bản như thực tập sinh kỹ năng đang trở nên vô cùng cần thiết đối với cuộc sống của người Nhật và nền kinh tế của Nhật Bản hiện nay.

Trước thực trạng này, cách đây 2 năm, trên cương vị là Chánh văn phòng nội các, tôi đã chỉ đạo sửa đổi các chính sách trong nước liên quan đến 14 lĩnh vực để Nhật Bản có thể tiếp nhận được dài hạn nguồn nhân lực có tay nghề cao. Chế độ tiếp nhận nhân lực có kỹ năng đặc định được triển khai từ tháng 4 năm ngoái. Chúng tôi đã thực hiện một cách toàn diện các biện pháp đối với nơi làm việc, chính quyền địa phương và giáo dục để Nhật Bản trở thành quốc gia được nguồn nhân lực nước ngoài lựa chọn. Chúng tôi đang tạo ra một môi trường có thể tiếp nhận tất cả những người “Muốn thử đến Nhật Bản làm việc”.

Tôi tin rằng mối quan hệ như thế đã và đang củng cố quan hệ đối tác của ASEAN và Nhật Bản. Sự thật là giao lưu con người thông qua phát triển nguồn nhân lực đã khiến cho rất nhiều người Nhật Bản trở nên yêu thích ASEAN và tương tự như vậy tôi mong rằng sẽ ngày càng nhiều người dân các nước ASEAN yêu mến Nhật Bản.

Hơn ai hết tôi hiểu rõ về tầm quan trọng của giao lưu nhân dân. Trên cương vị là Chánh văn phòng nội các, tôi đã coi chính sách tăng cường khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản như là một trụ cột của chiến lược tăng trưởng, đẩy mạnh việc nới lỏng các điều kiện cấp visa vốn khó tiến triển trong cơ chế hành chính phân chia theo chiều dọc. Trong thời kì đầu khi chính quyền có sự chuyển đổi năm 2012, số người nước ngoài đến Nhật Bản chỉ đạt 8 triệu 360 nghìn người nhưng đến năm ngoái đã tăng gấp khoảng 4 lần đạt khoảng 32 triệu người.

Hơn thế nữa, Chúng tôi đã triển khai “Dự án WA về văn hóa” nhằm thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa Nhật Bản và ASEAN thông qua nghệ thuật và tiếng Nhật. Qua dự án này có lẽ đã có nhiều người trở thành fan hâm mộ Nhật Bản và chọn Nhật Bản làm điểm đến của mình. Tôi mong muốn được đưa ra các chương trình giao lưu văn hóa hấp dẫn kế thừa được “Dự án WA về văn hóa” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Nhật Bản – ASEAN vào năm 2023.

Hiện tại, vẫn còn khó khăn trong việc đi lại vì mục đích du lịch, tuy nhiên tôi mong rằng ngay sau khi dịch bệnh kết thúc sẽ có nhiều người đến với Nhật Bản cũng như đến với ASEAN để trải nghiệm nền văn hoá da dạng, thiên nhiên phong phú và thưởng thức các món ăn ngon địa phương của các nước. Nhân dịp đó, hãy tận hưởng thật nhiều chuyến du lịch đến các địa phương của Nhật Bản.

Chúng ta không được phép lạc quan với những ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, để giữ vững sự ổn định của nền kinh tế thế giới, chúng ta phải duy trì các hoạt động đi lại quốc tế song song với việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Từ ngày 1 tháng 10, với một số yêu cầu nhất định, Nhật Bản đã nối lại việc tiếp nhận các doanh nhân đến Nhật Bản ngắn hạn vì mục đích thương mại, người cư trú trung và dài hạn như du học sinh, người thuộc các doanh nghiệp đến từ Việt Nam và các nước trên thế giới . Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế với các thủ tục đơn giản hơn để ngày càng có nhiều người dân của các nước đã thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh như Việt Nam có thể an tâm đến Nhật Bản. Các em sinh viên của Trường Đại học Việt Nhật hãy đến Nhật Bản để làm việc, nghiên cứu, công tác trong tương lai nhé.

Đến thời điểm này, tôi đã giới thiệu về những hợp tác đa dạng giữa ASEAN và Nhật Bản nhưng trước hết bối cảnh đằng sau những thành tựu này là gì?

Tôi cho rằng mấu chốt ở đây là ASEAN và Nhật Bản đã cùng chia sẻ những nguyên tắc cơ bản, đó là sự thượng tôn pháp luật, rộng mở, tự do, minh bạch và bao trùm. Chính vì những điều này đã ăn sâu cắm rễ vào xã hội của cả hai mà ASEAN và Nhật Bản đã có thể vượt qua mọi trở ngại và thúc đẩy hợp tác.

Với vị trí nằm tại trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn, ASEAN đã đưa ra “ASEAN Outlook” (Tầm nhìn chung của ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) vào năm 2019 như là con đường mà ASEAN nên tiến bước. Vì thế, những nguyên tắc hành động của ASEAN bao gồm thượng tôn pháp luật, rộng mở, tự do, minh bạch và bao trùm đã được khẳng định một cách mạnh mẽ. Điều này có nhiều điểm chung cơ bản với quan điểm “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)” mà Nhật Bản đang thúc đẩy và điều này khiến tôi cảm thấy hết sức vững tâm.

Tôi ủng hộ mạnh mẽ tầm nhìn của ASEAN (ASEAN Outlook) và tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng tôi có thể cùng với ASEAN, nơi luôn tôn trọng các nguyên tắc cơ bản như vậy, tạo ra một tương lai hòa bình và thịnh vượng.

Điều đáng tiếc là tại khu vực này, những động thái đi ngược lại với nguyên tắc thượng tôn pháp luật và rộng mở được khẳng định trong ASEAN Outlook lại đang xảy ra tại Biển Đông. Nhật Bản phản đối mạnh mẽ tất cả những hành vi làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Từ trước đến nay, Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc triệt để thực thi thượng tôn pháp luật trên biển và luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các nước liên quan đến vấn đề Biển Đông cần nỗ lực giải quyết mâu thuẫn một cách hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không phải là dựa vào vũ lực và đe dọa. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh về điều này.

Nhật Bản đang chung tay cùng ASEAN để xác lập “sự thượng tôn pháp luật” trên biển. Ví dụ, Nhật Bản đang thực hiện cung cấp tàu tuần tra, trang thiết bị phục vụ nâng cao năng lực đảm bảo an ninh trên biển đối với Việt Nam, Phillipines, cũng như đang triển khai đào tạo nhân lực thông qua hợp tác tập huấn, phái cử chuyên gia đến các quốc gia nằm ven tuyến vận tải biển bao gồm cả Indonesia, Malayisa. Nhật Bản sẽ không ngừng thực hiện các hợp tác này trong thời gian tới.

Trong phần kết của bài phát biểu, tôi xin được nhắc lại thông điệp của tôi gửi đến các em sinh viên ngày hôm nay. Nếu các em có ý chí mạnh mẽ, luôn nỗ lực hết sức mình và may mắn có được người bạn có thể cạnh tranh và khích lệ lẫn nhau tương tự như Nhật Bản và ASEAN thì các em sẽ có thể cùng nhau phát triển, khai mở được những hướng đi mới và cùng tiến bước thực hiện những mục tiêu của mình.

Bản thân tôi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực và luôn trân trọng tình bạn với ASEAN, người bạn thân thiết không gì có thể thay thế. Là những người bạn tốt của nhau, chúng ta hãy cùng đổ mồ hôi, cùng hợp lực và tiến lên phía trước vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và ngày càng thịnh vượng.

Xin trân trọng cảm ơn các em đã chú ý lắng nghe.

Thầy trò Trường Đại học Việt Nhật chia tay Thủ tướng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *