Ngày 23/4/2021, ông Hisashi Nagahiro – Tổng Giám đốc Gobal HR Strategy Division – Yoshinoya Holdings., LDT đã có buổi nói chuyện đặc biệt với sinh viên Nhật Bản học về “Ngành dịch vụ ẩm thực ở Nhật Bản”. Bài giảng của ông Hisashi Nagahiro đã cung cấp cho sinh viên Nhật Bản học một cái nhìn tổng thể về lịch sử ngành công nghiệp dịch vụ ẩm thực của Nhật, sự thích ứng và chuyển mình để bắt kịp với xu thế phát triển chung trên toàn cầu.

Theo quan niệm của người Nhật, ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong đời sống, không chỉ nhằm duy trì sự sống, mà còn để có sức khỏe tốt, phòng và chữa bệnh. Ăn uống điều độ là cách để con người duy trì nhịp độ cuộc sống và tăng cường động lực. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, ăn uống không chỉ để bồi đắp những nhu cầu thiết yếu. Bàn ăn là nơi con người xây dựng các mối quan hệ xã hội, giao tiếp và thể hiện phong cách sống.

Với nền tảng đó, ngành công nghiệp ẩm thực Nhật Bản đã đi cùng sự phát triển chung của con người từ những bước hình thành sơ khai vào đầu thế kỷ 18. Tuy nhiên, khi dân số Nhật trở nên già đi, nhu cầu tiêu thụ trong nước bão hòa, ngành dịch vụ ẩm thực của Nhật bắt đầu mở rộng sản xuất kinh doanh sang thị trường nước ngoài.

Đến Nhật Bản ngày nay, người ta không chỉ được thưởng thức các món ăn truyền thống của Nhật Bản mà còn có thể thưởng thức nhiều món ăn từ khắp nơi trên thế giới. Có lẽ ít nơi đâu trên thế giới mà bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn ngon của thế giới với chất lượng cao về hương vị, phong cách cũng như độ an toàn thực phẩm gần như tuyệt đối như ở Nhật. Người Nhật ăn thường xuyên cơm và miso soup, nhưng cũng tiêu thụ nhiều mì spaghetti và pizza của Ý, hamburger và xúc xích của Châu Âu, các món mì Trung Quốc, cà ri Ấn Độ, và cũng dễ dàng mua các món gỏi cuốn Việt Nam làm sẵn có bán ở hầu như khắp các siêu thị.

Tuy nhiên, đã có sự chuyển dịnh trong ngành dịch vụ ẩm thực Nhật Bản. Đó là cách mà Yoshinoya làm để thích ứng với sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng và đi cùng xu thế phát triển. Sự dịch chuyển thể hiện rõ rệt từ phân khúc thức ăn nhanh, thức ăn đường phố, thức ăn tiện dụng với giá phải chăng, các nhà cung cấp dịch vụ ấm thực chuyển sang phân khúc cao hơn: phục vụ các món ăn Nhật trong nhà hàng, dịch vụ ẩm thực giành cho gia đình, các món đặc sản của Nhật hoặc các dịch vụ ăn nhẹ như café, bánh ngọt. Ngoài ra, dịch vụ “ship” đồ ăn đến tận tay người tiêu dùng cũng ngày một phát triển. Sự dịch chuyển này đã chứng tỏ sự đúng đắn trong các thị trường Châu Á, đặc biệt ở thị trường Việt Nam, với doanh thu tăng vượt bậc vào năm 2020 và 2021, dự kiến tiếp tục tăng mạnh vào năm 2022 và 2023.

Tuy vậy, không thể tránh khỏi sự cạnh tranh ngày càng cao trong ngành công nghiệp ẩm thực Nhật Bản khi nhu cầu con người ngày một cao hơn và nhiều người nhìn thấy lợi nhuận béo bở từ ngành công nghiệp này. Những thay đổi xã hội như tỉ lệ sinh con giảm, dân số già tăng cao, sự gia tăng của dân số có thu nhập trung bình, sự gia tăng tỉ lệ người trẻ không kết hôn dẫn tới những thay đổi phong cách và phương thức tiêu dùng. Giá thành các dịch vụ kèm theo gia tăng, dẫn đến yêu cầu chất lượng thực phẩm và dịch vụ ngày một khắt khe. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của nhiều loại hình dịch vụ khác như thực phẩm địa phương, thực phẩm “nhà làm”… đang đặt ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành công nghiệp ẩm thực Nhật.

Để phát triển bền vững trong ngành, tầm nhìn của Yoshinoya Holdings là quan tâm đến trách nhiệm xã hội trong dịch vụ của mình: “Thực phẩm bền vững, nông nghiệp bền vững, thiết kế bền vững, thành phố bền vững” là những tiêu chí để Yoshinoya Holdings tiếp tục đồng hành với người tiêu dùng và mang ẩm thực Nhật Bản ra thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *